- Là con trai của một trí thức lớn – GS. Nguyễn Xiển, nhà báo Nguyễn Lưu có nhiều cơ hội được học, được tiếp xúc với những người thầy đáng kính trọng trong cuộc đời mình.

Vietnamnet xin trích đăng những chia sẻ của ông.

Cuộc đời tôi được học và biết nhiều người thầy đáng kính trọng, tuy nhiên có 2 người thầy mà tôi suốt đời không quên. Một người dạy chuyên ngành mà tôi được đào tạo chính quy ở Trường Đại học Tổng hợp – ngành Toán Kinh tế. Người kia dạy tôi thứ mà sau này tôi đam mê và bước chân vào – Âm nhạc.

Bố tôi kể rằng, bác Phạm Văn Đồng từng yêu cầu giáo sư Lê Văn Thiêm – lúc đó là Hiệu phó ĐH Tổng hợp – “nêu tên cho tôi một nhà toán học giỏi ở đất nước này”. GS. Thiêm đã trả lời ngay, đó là “anh Hoàng Tuỵ”.

{keywords}
GS. Hoàng Tuỵ - một người thầy đáng kính trọng. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội

Lúc ấy, tôi đang là sinh viên khoa Toán của trường và thầy Hoàng Tuỵ là chủ nhiệm khoa của tôi. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng thầy Hoàng Tuỵ là người thầy của những bậc thầy.

Tôi vẫn nhớ câu nói nổi tiếng của nhà giáo dục học người Nga Khacmalov: “Người thầy tồi chỉ biết truyền chân lý cho học trò. Người thầy giỏi là người biết dạy cho học trò cách tìm ra chân lý”. Thầy Tuỵ là người làm được điều đó.

Lúc ấy, thầy Tuỵ dạy Toán kinh tế. Dân toán Tổng hợp ai cũng khao khát được học thầy.

Thầy luôn biết cách khơi gợi để người nghe tò mò và muốn tìm hiểu thêm. Khi dạy, thầy khiến cho chúng tôi như cùng thầy tìm ra cái định lý ấy, mệnh đề ấy, lý thuyết ấy. Thầy đã biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Ví dụ như dạy định lý Cauchy, thầy khiến cho người nghe có cảm giác chính mình tìm ra định lý đó. 

Toán học có những vấn đề rất khó, rất trừu tượng. Nhưng thầy luôn biết cách biến những vấn đề khó hiểu thành những thứ đơn giản, hấp dẫn, thậm chí là hớp hồn sinh viên. Mỗi giờ giảng của thầy không ai làm việc khác. Giảng xong, thầy hỏi: “Các em có muốn nghe nữa không?” thì tất cả lớp đồng thanh “Có ạ”.

Nhiều người trong đó có tôi, khi lên làm thầy, đều cố gắng học tập những điều đó, mặc dù chúng tôi chỉ là những học trò nhỏ.

{keywords}
"Thầy giảng bài mà khiến cho người nghe có cảm giác như chính mình tìm ra chân lý đó". Ảnh: Lê Anh Dũng

Có một kỷ niệm với thầy Hoàng Tuỵ mà cả đời tôi không bao giờ quên.

Những năm 1967-1968, chúng tôi phải đi sơ tán. Một lần đi thi, chúng tôi phải đi bộ 2km ra văn phòng khoa – lúc đó là một căn nhà dựng lên rất đơn giản, bên trong chỗ làm việc có một thư viện nhỏ. Bên ngoài là dãy bàn tre.

Hôm ấy, lớp chúng tôi có 5 người ở tổ toán kinh tế. Thầy chỉ mỗi người ra một góc ngồi, đọc mỗi người một đề, rồi bảo các anh chuẩn bị 1 tiếng nữa tôi quay lại. Sau đó, thầy đi họp.

Thầy ra câu ấy nhưng khi quay lại thầy không chỉ hỏi đúng câu này, mà lật đi lật lại kiến thức tổng hợp của vấn đề. Nghĩa là để đạt môn ấy thì anh không được học tủ.

Sau buổi ấy, thầy đọc tên tôi và một anh nữa: “Hai anh này, 3 hôm nữa đến đây, 3 giờ chiều, vẫn câu ấy” – tức là chúng tôi không đạt.

3 ngày sau, chúng tôi lại đến. Lần này, thầy hỏi một lúc xong lại bảo: “Anh Lưu, chiều ngày mai 3 giờ anh đến đây, vẫn câu hỏi ấy”.

Bạn tôi thương, lên xin “thầy cho anh Lưu nói nốt vì nãy anh ấy chưa nói hết”, thì thầy bảo: “Không, tuần trước tôi phụ đạo anh ấy có thèm đi nghe đâu. Chủ quan lắm!”

Đến hôm sau, cả 5 thằng cùng đến vì thương tôi. Thầy cầm phấn nhắc lại cả 5 câu của cả người trả lời được lẫn người tạm cho là kém nhất là tôi. Thầy giảng rất kỹ, chỉ ra bản chất vấn đề, chỉ ra chỗ trò nói được và chưa nói được.

Cuối cùng, tất cả 5 trò thầy đều cho ‘đạt’ như nhau.

Ngày xưa điểm 5 là cao nhất, 2 điểm là trượt. Thi lại thì bị ghi vào lý lịch, ảnh hưởng tới nhiều việc khác. Thầy nghiêm khắc nhưng nhân đạo và thương trò như thế. Dù bận trăm công nghìn việc thời kháng chiến nhưng thầy vẫn đi lại 3,4 lần, giảng lại bài cho cả 5 trò nghe. Theo tôi, hiếm có người thầy nào được như thế.

Rồi chuyện đánh giá bằng tốt nghiệp. Ngày đó có cả bằng đỏ, bằng xanh, bằng vàng. Khi cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên năm cuối, thầy Hoàng Tuỵ không chỉ đánh giá một bài thi cụ thể ở một môn cụ thể trong một thời điểm cụ thể.

Thầy chấm cho ai bằng gì là thầy đánh giá cả con người, tiềm năng, tương lai của con người ấy. Phải nói, hiếm có người thầy nào có một trái tim rộng lớn, có trách nhiệm với nghề, với người như thầy Hoàng Tuỵ.

Tôi cho rằng một nhà sư phạm mà ôm trong đầu tất cả các khâu của việc trồng người như vậy thì quá tuyệt vời. Nếu như những nhà giáo, những nhà quản lý giáo dục bây giờ mà cũng có được cái tư duy ấy thì may cho đất nước này lắm.

{keywords}
Nhạc sĩ Hồng Đăng (trái) và nhà báo Nguyễn Lưu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người thầy thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là nhạc sĩ Hồng Đăng – người thầy, người anh lớn của tôi.

Nhạc sĩ Hồng Đăng là tác giả của những bài hát nổi tiếng như Hoa sữa, Lênh đênh, Biển hát chiều nay…

Khi đang dạy Toán ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tôi được đi dự lớp sáng tác không chuyên và may mắn gặp thầy Hồng Đăng. Thầy Hồng Đăng là người sửa bài và uốn nắn từng bản nhạc cho tôi.

Tôi cho rằng Hồng Đăng là một nhạc sĩ sắc sảo. Tôi còn nhớ, khi sửa bài cho tôi, chỉ trong vòng vài phút, thầy đã phát hiện ra ngay anh này sáng tác còn non và giai điệu bắt chước chất Nga. Đúng là tôi mê Liên Xô lắm.

Và chỉ bằng một vài động tác kỹ thuật nhỏ, thầy đã làm biến mất chất Nga trong bản nhạc đó. Vì thế, tôi rất cảm phục.

Nhạc sĩ Hồng Đăng cũng soạn nhiều sách âm nhạc, trong đó có cuốn “Tính năng nhạc cụ” mà tôi cho là rất hữu ích không chỉ với riêng tôi mà còn với nhiều người hành nghề sư phạm âm nhạc.

Nói về những đóng góp của Hồng Đăng, ông là người viết nhiều nhạc phim. Ông cũng chính là người viết nhạc hiệu tập thể dục buổi sáng lúc 5 giờ rất nổi tiếng ngày xưa.

Về tính cách, thầy Hồng Đăng dí dỏm, thông minh, và là người đọc nhiều – một điều mà tôi rất trọng.

Có những người thầy như thầy Hoàng Tuỵ, nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi thấy mình như được thơm lây.

Ngoài ra, tôi còn có nhớ rất nhiều người thầy khác khi tôi học thiếu sinh quân ở Trung Quốc những năm 1951-1958.

Trong trí nhớ của tôi, những người thầy đó đều đáng kính trọng, xứng đáng là một người cha hiền, hết sức nghiêm khắc, nhưng rất thương trò.

Thầy Nghị ở ký túc xá đã già, mỗi lần viết chính tả một chữ là lại nghĩ ra những bài hát, vở kịch để chúng tôi diễn. Thầy Quý đa tài - biết sáng tác nhạc, kéo violon, làm thơ, vẽ giỏi, biết tiếng Hán…

Hay có những người thầy - dù không được học trực tiếp nhưng tôi có dịp được tiếp xúc - có những phẩm chất rất đáng quý.

{keywords}
GS Nguyễn Văn Đạo, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy tại Bảo tàng Tự nhiên New York (Mỹ) năm 1980 (từ trái sang).
Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội

Tôi còn nhớ một câu chuyện dí dỏm về giáo sư toán học Lê Văn Thiêm.

Thời kháng chiến chống Pháp, các cán bộ được cấp một chiếc xe đạp. Có một số người trên đường đi công tác đã bị máy bay Pháp bắn chết. Để trấn an mọi người, bác Thiêm đã làm một bài toán: khả năng gặp máy bay khi đi công tác là ½, khả năng gặp mà bị bắn là ½, khả năng bắn mà trúng là ½, khả năng bắn trúng mà chết là ½ - nghĩa là xác suất bị máy bay bắn chết có 1/16, rất thấp. Bài toán của GS. Thiêm lúc ấy làm rất nhiều người yên tâm.

{keywords}
Các thầy dạy ở Trường Khoa học cơ bản khu học xá Trung ương.
Từ trái sang: thầy Lê Khả Kế, thầy Dương Trọng Bái, thầy Nguyễn Thạc Cát,
thầy Lê Văn Thiêm, thầy Nguyễn Xiển, thầy Hồ Đắc Di, thầy Võ Thuần Nho
và thầy Nguỵ Như Kon Tum. Ảnh: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Thầy Nguỵ Như Kon Tum thì lại rất hiền và thương người. Một hôm, thầy đi bộ sang nhà tôi, có vẻ trăn trở, nói với bố tôi rằng: “Thằng lái xe bây giờ nó chây ra không đi làm, giờ không biết làm thế nào. Không nhẽ đuổi việc nó à?”

Thầy hiền đến mức như vậy.

Bố tôi nói: “Anh không đuổi việc được lái xe thì anh tự đuổi việc anh đi”.

Khi đó về, bác Kon Tum mới nói với phòng tổ chức đánh động anh lái xe thì anh ta mới chịu đi làm.

Có những thầy giáo lớn nhưng lại rất hiền lành, thương người đến mức như thế.

Hay như thầy Hoàng Xuân Nhị dạy khoa Văn Tổng hợp, tôi nhớ thầy từng mở một cuộc thi chọn 3 bài thơ tình hay nhất Việt Nam.

Ý tôi muốn nói những người thầy xưa rất biết cách làm giàu có thêm đời sống tinh thần cho học trò và cho cả môi trường mình dạy.

Một đặc điểm chung nữa là các thầy đều là những người rất toàn diện, có hiểu biết rộng. Tôi nghĩ điều đó rất đáng quý và rất tốt. Với những người trẻ, được học những ông thầy có hiểu biết rộng ở nhiều lĩnh vực thì càng giúp bồi dưỡng cho nhân sinh quan, thế giới quan của học trò.

Tất nhiên một gíao viên cấp 1 không nhất thiết phải giỏi triết học của Hegel, một giáo viên cấp 2 không cần phải nói được 3 ngoại ngữ, nhưng phải biết những thứ cơ bản. Tôi rất sợ những giáo viên ngày nay dạy môn gì chỉ biết đúng thứ đó thì rất nguy hiểm.

Các cụ có câu: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Ngày nay – thời buổi kinh tế thị trường, người ta hiểu câu ấy một cách quá thực dụng.

Ngày xưa, “yêu” chỉ là sự trân trọng, là quân – sư – phụ - nghĩa là vị trí người thầy còn được đặt trên cả người cha.

Tôi rất e sợ một số xu hướng bây giờ cứ muốn phủ nhận tất cả những giá trị tốt đẹp của môi trường sư phạm ngày xưa, cứ tân tiến quá, dân chủ quá.

Sự uy nghi của ông thầy bây giờ đang bị lung lay. Ngày xưa, các thầy rất hóm hỉnh, khi gặp thế hệ con cháu rất hoà đồng, nhưng khi đã bước lên bục giảng thì thầy ra thầy, trò ra trò.

Ngành giáo dục hiện nay đang bị cả xã hội tấn công chỉ vì một số sơ suất. Sơ suất là có  thật, nhưng cả xã hội đang quá đà khi đánh vào ngành giáo dục.

Chính vì vậy, khi nhìn lại môi trường giáo dục ngày xưa, tôi lại càng muốn cái gì tốt đẹp thì hãy gắng mà giữ lấy lề. Đừng phê phán quá, đừng quay lưng lại, mà hãy biết lắng nghe nhau.

Nguyễn Thảo (ghi)

Những người thầy đi làm từ lúc sáng trăng

Những người thầy đi làm từ lúc sáng trăng

Chạy xe ôm gần 20 năm, đã đi mòn con đường này, thỉnh thoảng lại gật đầu chào vài người quen trên đường, nhưng ông thú thực: “Từ bản Gianh vào trong trường đấy, tôi chưa đi bao giờ”.

Giáo dục Phần Lan: Người thầy cũng phải học tập không ngừng

Giáo dục Phần Lan: Người thầy cũng phải học tập không ngừng

Tại đất nước Phần Lan, việc học không bao giờ có điểm dừng. Không chỉ sinh viên mà cả người thầy cũng phải học tập liên tục.

Một người thầy tâm huyết đã ra đi hôm nay...

Một người thầy tâm huyết đã ra đi hôm nay...

Anh từng bảo với tôi "Sống cho là nhận". Điều anh vui nhất là nhiều câu nói, lời nhắn, bức thư nhỏ của phụ huynh và học sinh rất cảm động.

Giáo viên quỳ gối: Nỗi lòng nặng trĩu của người thầy 30 năm tuổi nghề

Giáo viên quỳ gối: Nỗi lòng nặng trĩu của người thầy 30 năm tuổi nghề

Xót xa nhất là cô giáo đã vĩnh viễn ra đi khi mới bắt đầu vào nghề dạy học…

2017: Những người thầy "thắp lửa" nhân văn

2017: Những người thầy "thắp lửa" nhân văn

Những tấm lòng, tình yêu nghề của các thầy cô trên khắp cả nước một lần nữa khơi dậy giá trị nhân văn của ngành giáo dục 2017.