Ngoài đặc trưng chung của các trường vùng cao, ngôi trường nơi cô Thoa công tác còn thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm huyện 25 km đường đèo dốc.

Trường nằm trên vùng núi cao 1.500 m so với mặt nước biển; có 4 điểm bản, mỗi điểm cách xa trung tâm trường từ 6-16 km và đường đi lại vô cùng khó khăn. Mùa đông ở Tênh Phông giá rét, mùa mưa đồi núi sạt lở, đi lại khó khăn. Dân cư ở đây 100% là người dân tộc H’Mông, với điều kiện kinh tế của người dân trong xã còn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa số, chiếm 74,2%, các điểm bản chưa có điện lưới quốc gia.

Do số trẻ tại một số điểm bản ít, cộng với thiếu giáo viên mầm non nên một số điểm trường chỉ có 1 giáo viên/lớp. Cùng đó, nhân viên nấu ăn chỉ có ở điểm trường trung tâm, thiếu nhà công vụ, không có điện, mùa khô thiếu nước sinh hoạt, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau, lớp ghép nhiều độ tuổi…

Những điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ của các giáo viên vùng cao. Và cô Thoa cũng không phải ngoại lệ.

{keywords}
Cô Cà Thị Thoa (giáo viên Trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh: dienbien.edu.vn

Song, với suy nghĩ bản thân là cô giáo mầm non - là người thay các bố, mẹ chăm sóc trẻ trong thời gian ở trường, mỗi sáng cô Thoa đều có mặt từ lúc 6h30 để chuẩn bị đón trẻ.

Gần 10 năm công tác tại Trường Mầm non Tênh Phông, cô Thoa đã được phân công giảng dạy tại nhiều điểm trường, có điểm trường Xá Tự cách trung tâm 16 km. Do đường sá đi lại khó khăn, mùa đông thời tiết khắc nghiệt nên 4 năm đầu công tác, cô Thoa hầu như phải ăn, nghỉ tại các điểm bản.

“Hồi đó, do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, không có điện, nên sau khi trả trẻ xong, tôi và đồng nghiệp phải tranh thủ soạn bài, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ”, cô Thoa kể.

Trong quá trình công tác tại trường, cô Thoa ấn tượng về câu chuyện của một gia đình trẻ chuyển đến một địa điểm sống tách biệt và cách xa với bản làng khoảng 20 km.

"Đường đến gia đình đó toàn đèo, dốc, vực sâu, xe máy không đi được. Tôi và các đồng nghiệp đã phải đi bộ đến đó để vận động 2 cháu trong độ tuổi mầm non ra lớp. Trong quá trình vận động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì gia đình trẻ sống cách xa trường, không có điều kiện và phương tiện đưa các con đi học", cô Thoa kể.

Song với sự quyết tâm, cô và đồng nghiệp đã thuyết phục được gia đình và đưa các cháu ra lớp. Do hoàn cảnh gia đình không thể đưa đón các cháu hằng ngày nên cô đã ngỏ ý với cán bộ quản lý cho nhận chăm sóc 2 cháu, cho ở lại ăn, nghỉ cùng mình và các cô giáo tại khu tập thể cho đến hết năm học.

Nhờ sự quan tâm và chăm sóc của cô Thoa, đến nay, 2 cháu đã hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi và bước sang trường tiểu học.

Cô Thoa cho rằng, để làm tốt được sứ mệnh cao cả của nghề, người giáo viên mầm non cần phải yêu nghề, mến trẻ, có chuyên môn vững vàng.

“Trên hết tôi nhận thức được, là giáo viên mầm non phải luôn có một tấm lòng bao dung, nhân ái và sự tận tâm chăm sóc, nuôi dạy trẻ của người mẹ”.

Để trở thành một giáo viên tốt, cô Thoa dặn mình không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng sư phạm. Cô tham gia học lớp đại học sư phạm mầm non để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, cô còn đăng ký học chứng chỉ tiếng dân tộc H’Mông để giao tiếp được với phụ huynh và cộng đồng nơi công tác.

"Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, tôi luôn dành thời gian để trò chuyện, dạy các con còn hạn chế tiếng Việt nhận biết và phát âm những đồ dùng, đồ chơi quen thuộc có ở trong lớp và gia đình trẻ. Thường xuyên tổ chức và chơi cùng trẻ các trò chơi vận động, trò chơi dân gian để tạo sự gần gũi và hứng thú; đặc biệt quan tâm, động viên những trẻ còn nhút nhát. Phối hợp với chi hội phụ huynh của lớp, của trường đến thăm hỏi, động viên những trẻ có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày lễ, tết hoặc những lúc trẻ bị ốm đau".

Nhiều năm giảng dạy tại các lớp ghép, cũng cho cô giáo Thoa nhiều kinh nghiệm quý báu. "Tôi nhận thấy để nâng cao chất lượng lớp ghép phải quan tâm tìm hiểu từng trẻ, phát huy sự tương trợ, giúp đỡ nhau của trẻ trong lớp ghép, tổ chức hoạt động sao cho trẻ tương tác với nhau được nhiều nhất có thể, không nên chỉ chú trọng hoạt động học cho trẻ lớn mà bỏ quên trẻ bé hoặc ngược lại…" Song để làm được, cô Thoa cho rằng cần thường xuyên công khai, trao đổi, chia sẻ về mục tiêu, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của lớp với phụ huynh để cùng phối hợp thực hiện.

Trong điều kiện người dân còn nhiều khó khăn, cô tích cực tham mưu với nhà trường đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho công tác tổ chức ăn bán trú cho trẻ.

Cô cũng vận động cha mẹ trẻ góp gạo, củi, cùng cô giáo trồng và chăm sóc vườn rau, huy động sự giúp đỡ của cộng đồng từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ. Vận động cha, mẹ trẻ tham gia cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất các điểm trường như xây dựng bếp ăn, làm hàng rào, lao động vệ sinh trường lớp…; tạo môi trường cho trẻ hoạt động, trải nghiệm như tham gia làm đồ dùng, đồ chơi từ các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, đóng chậu hoa bằng gỗ, trồng cây xanh, tham gia một số hoạt động cùng trẻ tại trường…

{keywords}
Ảnh: dienbien.edu.vn

Để tạo sự tin tưởng và thu hút sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng trong chăm sóc và giáo dục trẻ, cô luôn lắng nghe ý kiến của các phụ huynh; thường xuyên liên lạc, tìm hiểu thói quen sinh hoạt của gia đình trẻ. Căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để từ đó có hình thức, biện pháp phối hợp phù hợp.

Áp dụng các giải pháp trên, cô Thoa cũng thu về “quả ngọt” khi chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ của các lớp cô phụ trách được nâng lên rõ rệt. Thấy trẻ mạnh dạn, tự tin; các cha mẹ yên tâm và tin tưởng vào cô giáo khi gửi con đến trường. Điều này giúp kết quả huy động số lượng học sinh ra lớp của cô luôn vượt kế hoạch giao. Tỷ lệ trẻ em đi học chuyên cần đạt 96% trở lên. Hằng năm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong lớp giảm từ 0,2-0,3%; 100% trẻ được đảm bảo an toàn, không có ngộ độc xảy ra; số lượng trẻ tham gia Hội thi cấp trường, cấp huyện ngày càng tăng và đạt kết quả cao hơn so với năm học trước. Chất lượng giáo dục cuối độ tuổi đạt từ 95% trở lên, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi.

Trải qua gần 10 năm công tác tại một trường vùng cao và với những kết quả đó, cô Thoa đã 2 lần được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 2 lần được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; luôn được các cấp đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt loại Tốt trong đánh giá xếp loại Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Cô cũng có 4 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và nhiều giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, tỉnh; Giám đốc Sở GD-ĐT.

Năm học 2020-2021, cô Thoa cho hay sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác “Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vùng cao”, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu giáo dục và đào tạo.

Hải Nguyên

Cô giáo mầm non ném em bé xuống sàn

Cô giáo mầm non ném em bé xuống sàn

Cô giáo trường mầm non bị bắt giữ sau khi có hành động ném một trong những học sinh của mình xuống sàn khi cậu bé này đang chơi với một chiếc ghế.