Cách đây chỉ hơn 1 năm, nếu nói đến công tác tuyển sinh hằng năm, những người làm quản lý ngành giáo dục ở tỉnh Quảng Trị sẽ nghĩ đến thời gian phải làm ngoài giờ cả tháng trời, cùng rất nhiều việc thủ công. Giờ đây đã khác.

Hai tháng là khoảng thời gian mà ngành giáo dục Quảng Trị cần có để thực hiện công tác tuyển sinh hằng năm. Mỗi dịp vào cao điểm, các cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thường phải làm ngoài giờ liên tục.

Năm học 2018-2019, công tác tuyển sinh tưởng chừng gặp vấn đề lớn khi Sở vừa thực hiện chủ trương tinh giản biên chế với việc sáp nhập các phòng ban từ 11 xuống còn 7. Đi kèm với đó, số lượng cán bộ của Sở cũng giảm đi không nhỏ. Thế nhưng, thời gian cho công tác tuyển sinh từ 2 tháng mọi năm giờ chỉ còn khoảng 10 ngày và các cán bộ chuyên trách không còn “đầu bù tóc rối” như những năm trước đó.

{keywords}
 

Thực tế, những năm trước, các cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của Quảng Trị phải gửi email tới 32 trường THPT, 10 trung tâm nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, gần 130 trường trung học cơ sở, hơn 200 trường tiểu học để lấy số liệu. Các số liệu được gửi về với file excel và các cán bộ phải đợi các trường gửi đủ mới tổng hợp rồi làm chỉ tiêu. Tất cả những công việc này đều thủ công, tốn thời gian chờ đợi, đồng thời rất dễ… stress.

Với năm học 2018-2019, mọi việc đã đổi khác. Đây là năm đầu tiên tỉnh Quảng Trị thực hiện công tác tuyển sinh với sự hỗ trợ của giải pháp quản lý thông tin tập trung từ Sở đến tất cả các trường trên địa bàn tỉnh do Viettel xây dựng. Nhờ có giải pháp này, các số liệu về tuyển sinh được nhập sẵn trên hệ thống nên các công việc thủ công như những năm trước gần như không còn.

Tuyển sinh chỉ là một câu chuyện thời 4.0 mà tỉnh Quảng Trị thực hiện. Bên cạnh đó, một ứng dụng CNTT khác nhìn bề ngoài không có gì thay đổi nhưng lại là một bước ngoặt: website của Sở giáo dục và các trường. Nếu như trước đây, toàn bộ các trường đều làm web tĩnh để đăng tải các thông tin thì hiện nay từ Sở Giáo dục đến các trường ở Quảng Trị đều chuyển sang cổng thông tin điện tử.

{keywords}
 

Nếu nhìn bên ngoài thì sự khác biệt không lớn nhưng hệ thống vận hành bên trong cổng thông tin điện tử khác rất lớn so với website. Sự thay đổi lớn nhất nằm ở khả năng kết nối giữa các cổng thông tin điện tử của trường với nhau, giữa các trường và Sở. Đây là điều mà trước đây các website không thể thực hiện.

Nhờ việc liên thông trên cùng một nền tảng, khi cần thông tin, Sở chỉ cần thông báo trên cổng của mình là các trường nhận được. Bên cạnh đó, cán bộ của Sở Giáo dục cũng có thể nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh của các trường học như hoạt động hàng ngày, kế hoạch tuần, các thông tin về sự kiện… và ngược lại.

Về mặt trực quan, sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là vào các cổng thông tin điện tử của Sở và các trường ở Quảng Trị trên smartphone. Nếu như trước đây, với giao diện web cũ, màn hình không thể tuỳ biến, việc đọc trên smartphone là không thể bởi vẫn phải nhìn giao diện trên máy tính với chữ nhỏ li ti. Còn giờ đây, khi vào cổng thông tin, giao diện đã được tuỳ biến cho smartphone và việc đọc, tra cứu thông tin được thực hiện rất dễ dàng với mọi người.

{keywords}
 

Trên đây chỉ là 2 câu chuyện nhỏ của ngành giáo dục Quảng Trị sau khi triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể với sự tư vấn của Tập đoàn Viettel. Vốn là một tỉnh chưa có hạ tầng CNTT phát triển mạnh, thế nhưng Quảng Trị lại có “lợi thế của người đi sau” là không có “gánh nặng của quá khứ”.

Thay vì việc phải sửa chữa, điều chỉnh nhiều hệ thống khó tương thích với nhau, việc có chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, tới Sở và các trường trong toàn tỉnh đã tạo ra kết quả đặc biệt và nhanh chóng. Hệ thống quản trị CNTT vốn cần sự đồng bộ và tập trung, đi kèm với triển khai đồng loạt và dứt điểm thì đây chính là điểm mạnh của Quảng Trị.

Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp với quản lý giáo dục kiểu 4.0 ở Quảng Trị? Theo tiết lộ từ một lãnh đạo của Sở Giáo dục tỉnh này, đó là việc ngành giáo dục “không còn công văn giấy” và triển khai mạnh mẽ e-learning hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy và học trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, đây là 2 dự án không dễ dàng bởi nó đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ban ngành của tỉnh cũng như nỗ lực lớn hơn rất nhiều của toàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị. Những thử thách 4.0 lớn hơn vẫn đang đợi ở phía trước.

Nguyễn Lan