Các học sinh tại Thượng Hải là những người làm toán, đọc hiểu và khoa học giỏi nhất trên thế giới, theo một nghiên cứu giao dục toàn cầu được công bố hôm thứ Ba (3/12).


{keywords}
Các học sinh đang tham gia một lớp học tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Trong ba môn học trên, các học sinh tại Thượng Hải đã thể hiện kỹ năng và kiến thức tương đương với ít nhất một năm đi học nữa của những đứa trẻ cùng trang lứa tại các quốc gia khác như Mỹ, Đức và Vương quốc Anh.

Những phát hiện trên là một phần trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) 2012 - một cuộc khảo sát hàng đầu về hệ thống giáo dục do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện ba năm một lần. OECD thành lập năm 1961, hiện có 34 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển.

Hơn một nửa triệu học sinh, 15 và 16 tuổi, tham dự một bài kiểm tra kéo dài 2 tiếng đồng hồ vào năm ngoái là một phần của nghiên cứu. Các em học sinh tới từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho 80% hệ thống kinh tế toàn cầu.

Kết quả chung cuộc, các em học sinh đại diện cho các nền kinh tế Đông Á đã thể hiện tốt nhất, với 7 vị trí trong top 10 đạt điểm xuất sắc trong cả ba môn học.

Về môn toán, Thượng Hải đạt điểm số cao nhất, 613 điểm, tương đương với gần 3 năm đi học trên mức trung bình của 34 thành viên thuộc OECD (494 điểm), và 6 năm đi học của Peru, nơi xếp vị trí cuối cùng (368 điểm). Thành phố này cũng về nhất trong bảng xếp hạng năm 2009.

Singapore đứng vị trí thứ hai về môn toán với điểm số 573, theo sau là Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc và Ma Cao.

Tuy nhiên, việc làm toán tại hầu hết các quốc gia chưa được cải thiện từ những kỳ kiểm tra PISA được thực hiện cách đây hơn một thập kỷ. Khoảng 60% trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự các nghiên cứu trước đó đã thể hiện ở mức tương tự hoặc kém hơn năm 2012 và gần 1/3 tất cả các học sinh đạt điểm số thấp nhất trong môn học này.

Sự tụt hậu của Mỹ

Mỹ xếp thứ 36, với điểm về môn toán ở dưới mức trung bình của OECD (481 điểm).

Các học sinh tới từ Vương quốc Anh thể hiện tốt hơn một chút, xếp thứ 26, tương đương với điểm trung bình của các thành viên OECD về môn toán và đọc hiểu, trong khi điểm của môn khoa học trên mức trung bình (514 điểm).

Một phần lý do các học sinh tại Thượng Hải học tốt là do họ đã nỗ lực và tự tin để hoàn thiện khả năng của mình, phó giám đốc phụ trách giáo dục của OECD, Andreas Schleicher cho biết.

"Tại Trung Quốc và Thượng Hải, phải có 9 trong 10 sinh viên nói với bạn rằng 'Nó phụ thuộc vào bạn. Nếu tôi nỗ lực, giáo viên của tôi sẽ giúp đỡ tôi thành công'," ông Schleicher nói với phóng viên chương trình On China của CNN.

Tương tự, tại Nhật Bản, quốc gia đứng xếp vị trí thứ 7 về kết quả chung cuộc, hơn 80% học sinh không đồng ý rằng họ đã lảng tránh những vấn đề khó khăn và 68% không tán thành việc họ dễ dàng từ bỏ khi đương đầu với một rắc rối.

Chăm chỉ

"Rèn luyện và chăm chỉ đi đôi với việc hướng tới phát triển tiềm năng của mỗi học sinh, tuy nhiên các em học sinh chỉ có thể đạt được thành tựu cao nhất khi chúng tin rằng chúng kiểm soát được thành công của mình và chúng có khả năng đạt được điều đó," báo cáo của OECD cho hay.

PISA kiểm tra các học sinh gần kết thúc chương trình giáo dục phổ cập trong những lĩnh vực "cần thiết cho sự tham gia toàn diện vào xã hội hiện đại" cũng như khả năng ứng dụng những gì mà họ học được trong các tình huống mới.

"Các cách tiếp cận này phản ảnh thực tế rằng nền kinh tế hiện đại sẽ đền đáp cho các cá nhân vì những gì họ có thể làm được với những thứ họ biết chứ không phải cho những gì họ biết," báo cáo cho biết.

Về môn đọc hiểu, các nền kinh tế Đông Á cũng dẫn đầu bảng xếp hạng. Thượng Hải đứng vị trí thứ nhất, với 570 điểm, tương đương với 1,5 năm đi học so với mức trung bình OECD. Hong Kong xếp vị trí thứ hai, theo sau là Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một nửa các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia các kỳ kiểm tra trước đó đã có sự tiến bộ trong một đọc hiểu kể từ năm 2003.

Thượng Hải cũng đứng đầu về khoa học, với 580 điểm, so với mức trung bình là 501 điểm, tương đương gần hai năm đi học. Ở vị trí thứ năm, Phần Lan là quốc gia đứng sau các nền kinh tế châu Á: Hong Kong, Singapore và Nhật Bản.

Dữ liệu tại các tỉnh thành khác của Trung Quốc hiện vẫn chưa được PISA công bố vì không có đủ đại diện của các khu vực tham gia kỳ kiểm tra, một phát ngôn viên cho biết. Tuy nhiên, cả Trung Quốc được hy vọng sẽ tham gia vào kỳ đánh giá năm 2015.

Thượng Hải luôn đứng ở vị trí tiên phong về cải cách giáo dục tại Trung Quốc trong những năm gần đây.

Phương pháp học vẹt?

Sự thể hiện vượt trội của Thượng Hải đã xóa tan những định kiến về hệ thống giáo dục Trung Quốc, vốn bị coi là dựa vào học vẹt, theo Schleicher.

"Sự bất ngờ lớn nhất tới từ Thượng Hải...là những học sinh không chỉ ghi nhớ nội dung các môn học mà họ còn làm rất, rất tốt trong những kỹ năng bậc cao, điều này phản ánh những gì bạn có thể làm với những gì bạn biết," ông nói.

Jiang Xueqin, hiệu phó khối phổ thông trực thuộc Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh cho biết hệ thống giáo dục của Thượng Hải đầu tư vào đội ngũ giáo viên bằng cách bồi dưỡng nghiệp vụ và trả lương cao cho họ.

"Các giáo viên được trả lương rất hậu hĩnh, rất chuyên nghiệp," Jiang nói. "Chính quyền Thượng Hải sẽ dành nhiều tài nguyên để đảm bảo rằng mỗi giáo viên đều được đào tạo tốt, có cơ hội đi nước ngoài cũng như cơ hội tham gia các khóa học từ những giáo viên tốt nhất."

Các quốc gia có tiến bộ trong kỳ kiểm tra PISA năm nay như Brazil, Colombia và Ba Lan đã thực hiện các chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng cách nâng cao yêu cầu về bằng cấp giáo dục, khích lệ các sinh viên đạt thành tựu cao để họ được tham gia các khóa đào tạo chuyên nghiệp và liên tục, theo báo cáo.

Ông Jiang cũng nói rằng thành công của Thượng Hải là một sản phẩm của một nền văn hóa, vốn dành ưu tiên cho các thành tích học tập.

"Các bậc phụ huynh, các sinh viên và cả cộng đồng đang bận rộn để đảm bảo thành công cho những đứa trẻ," ông nói.

Sầm Hoa (Theo CNN)