Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung trong luật mới được đánh giá là khá mạnh dạn nhằm gỡ các nút thắt đối với lộ trình tự chủ đại học của Việt Nam.

Không phân biệt bằng đại học theo hình thức đào tạo

Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.

Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.

Do đó luật này quy định “văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương” và “người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”. 

Hiệu trưởng trường ĐH có thể làm quá 2 nhiệm kỳ

Cụ thể, Điều 20 quy định hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học.

Như vây, nếu trước đây, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường đại học được quy định là 5 năm, thì Luật mới quy định nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng.

Bên cạnh đó, thay vì quy định hiệu trưởng phải đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của trường ít nhất 5 năm, thì nay, Luật mới cũng đã bỏ quy định này. Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu phải có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học.

Có thể thấy rõ với luật này, sự chuyển vai giữa hiệu trưởng và hội đồng trường thể hiện rõ nét.

Đặc biệt là sự tác động của HĐT đến các hoạt động và sự phát triển của nhà trường thông qua việc: xác định mục tiêu chiến lược và cách thức thực hiện mục tiêu, thu hút nhân tài, lựa chọn hiệu trưởng, huy động nguồn lực phát triển trường, xây dựng và ban hành được quy chế tổ chức và hoạt động của trường cũng như các quy định nội bộ liên quan để vận hành bộ máy, thực hiện mục tiêu chiến lược, đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa quyền, trách nhiệm và lợi ích của các bên liên quan trong và ngoài nhà trường… để đoàn kết, cạnh tranh và phát triển.

Đối với các trường công lập, Hiệu trưởng do HĐT quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Theo Luật 34, hiệu trưởng sẽ là người thực thi các quyết định của Hội đồng trường thay vì có toàn quyền như trước đây.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, mặc dù Hiệu trưởng do HĐT quyết định nhưng việc bổ nhiệm này phải tuân theo quy trình bổ nhiệm cán bộ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, ứng viên phải thỏa mãn các điều kiện khác như: cần lựa chọn người có tâm, tầm, tài để cùng HĐT xác định mục tiêu chiến lược phát triển trường, có khả năng tổ chức thực hiện các quyết nghị của HĐT… chứ không phải đơn giản chỉ là “người làm thuê".

Việc bãi nhiệm hiệu trưởng của bất cứ HĐT nào, công hay tư cũng đều phải có căn cứ, theo thủ tục Luật định và quy chế tổ chức và hoạt động của từng trường.

Giảng viên đại học phải có trình độ tối thiểu là thạc sĩ

Điều 54 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi quy định giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; có trình độ đáp ứng quy định của Luật này, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ.

Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.

Dừng tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng

Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng quy định cụ thể ở Điều 50 về trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Trong đó có yêu cầu về việc tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, cơ sở giáo dục đại học không thực hiện kiểm định chương trình theo chu kỳ kiểm định hoặc kết quả kiểm định chương trình không đạt yêu cầu phải cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Sau 2 năm, kể từ ngày giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đào tạo hết hạn hoặc từ ngày có kết quả kiểm định không đạt yêu cầu, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kết quả kiểm định lại vẫn không đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục ĐH phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó và có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người học.

Thanh Hùng

Việt Nam tiếp tục có 2 đại học lọt top 1.000 thế giới

Việt Nam tiếp tục có 2 đại học lọt top 1.000 thế giới

 - QS vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2020. Việt Nam tiếp tục có hai trường đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng này.