- Khẳng định việc đưa công tác kiểm định đại học ra ngoài Bộ GD-ĐT là phù hợp song nhiều chuyên gia cũng băn khoăn khi hiện tại chưa có bất cứ chế tài nào đối với các trung tâm kiểm định làm sai.

{keywords}
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo quy định kiểm định đại học theo đó số tiêu chuẩn và tiêu chí sẽ tăng lên nhiều so với quy định cũ.

Kiểm định đại học không thể như kiểm tra thi đua

Trường ĐH Duy Tân vừa thực hiện kiểm định vào cuối năm 2016. Kết quả là các tiêu chí đạt 85,25%, 9 trong 61 tiêu chí theo quy định không đạt.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng của trường phàn nàn rằng, quy định hiện tại có nhiều tiêu chí đánh giá "phi thực tiễn" mà không chỉ những trường như ĐH Duy Tân mà cả những trường công lập cũng khó lòng đáp ứng được.

"Chẳng hạn như tiêu chí về ký túc xá thì những trường tư như chúng tôi lấy đâu ra tiền mà mua đất xây?" - ông Cơ băn khoăn. Chúng ta đang thúc đẩy khởi nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu khoa học thì các trường bỏ ra 10 đồng mà thu về 2 đồng đã tốt lắm rồi. Trong khi tiêu chí lại đặt ra là thu chi trong nghiên cứu khoa học của các trường phải bằng nhau".

Trong khi đó, ông Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc kiểm định đại học trước nay vẫn "còn hình thức".

Theo ông Thiệp, ngay cả việc các trường làm tự đánh giá cũng không đúng trong khi đây là một khâu rất quan trọng bởi nó tạo ra sự động thuận trong nội bộ trường về chất lượng của trường đó. "Thường thường các trường làm báo cáo tự đánh giá rất hình thức. Thuê người bên ngoài đến viết cho một cái báo cáo qua quýt" - ông Thiệp khẳng định.

Từ đó, ông Thiệp cho rằng, kiểm định sẽ có chất lượng nếu các khâu kiểm định làm một cách nghiêm túc, từ khâu tự đánh giá cho đến đánh giá ngoài. "Một đoàn đồng nghiệp từ bên ngoài đến đánh giá phải làm sao cho quy trình thật nghiêm túc chứ không thể như đi kiểm tra thi đua của mình. Đến rồi vui vẻ rồi mọi người đều vui vẻ cả" - ông Thiệp nhấn mạnh.

Ông Phạm Hiệp, NCS ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan) cho rằng, nhiều yêu cầu của quá trình kiểm định mang tính chất hành chính hoặc quá thủ công dẫn đến phiền phức. Chẳng hạn, tiêu chí kiểm định yêu cầu phải có đào tạo cán bộ nhưng lại yêu cầu trường phải có quyết định cử đi đào tạo trong khi việc cử cán bộ đi đào tạo nhiều khi chỉ là email, công văn chứ không nhất định phải là quyết định.

"Hay như trước đây các đơn vị kiểm định yêu cầu cứ phải có một bộ hồ sơ đánh giá trong cao đến nửa người trong khi cả khâu đánh giá trong và đánh giá ngoài đều có thể online hóa gần hết" - ông Hiệp nói.

Quá nhiều tiêu chí liệu có khả thi?

Trong khi quy định kiểm định đại học hiện tại đưa ra 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí đã được cho là khá khó khăn với các trường ĐH khi nhiều tiêu chí khá hình thức và chung chung thì trong dự thảo quy định kiểm định đại học mới được Bộ GD-ĐT công bố mới đây có tới 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí khác nhau.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay 20 trường đã được kiểm định xong, trong số đó 1 trường không đạt. Dự kiến, từ nay đến tháng 6/2017, sẽ tiếp tục triển khai kiểm định các trường theo bộ tiêu chí đã ban hành. Từ tháng 1/2018, sẽ tiến hành kiểm định theo tiêu chí mới của AUN.

Ông Lê Công Cơ cho rằng, trong khi bộ tiêu chí hiện tại vẫn chưa có nhiều trường ĐH "dám" tham gia kiểm định thì việc tăng số lượng tiêu chuẩn, tiêu chí trong dự thảo mới là khó khả thi. Theo ông Cơ, nếu thực hiện theo bộ tiêu chí cũ thì cũng chỉ 1/3 số trường là đạt các tiêu chí kiểm định trong khi hiện tại chỉ mới vài chục trường tham gia kiểm định.

Ông Cơ cho rằng, hiện các trường không tích cực tham gia kiểm định vì các tiêu chí kiểm định "khó quá không kiểm định nổi" trong khi lại chưa có chế tài nào cho việc các trường không tham gia kiểm định.

Đồng tình với ý kiến của ông Cơ, GS Lâm Quang Thiệp cũng cho rằng, dự thảo về kiểm định đại học đưa ra 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí là quá nhiều. "Không biết Bộ GD-ĐT tính toán thế nào mà tăng lên nhiều thế trong khi các tiêu chuẩn, tiêu chí phải cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu".

Trong khi đó, ông Phạm Hiệp thì cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ tiêu chí, tiêu chuẩn của kiểm định nhiều hay ít. "Thực tế nhiều bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dài và phức tạp hơn nhiều. Bộ tiêu chí hiện tại ít nhưng nội dung mập mờ và làm khó cho người đánh giá" - ông Hiệp nhận định.

Theo ông Hiệp, bộ tiêu chí kiểm định hiện tại không đi vào thực tiễn là vì nguồn lực của nhà nước không đủ đội ngũ kiểm định chất lượng. Trong khi đó, các trường cũng không biết kiểm định thì được lợi gì. "Các trường ít tham gia nhưng những trường có tầm nhìn và thấy được lợi ích của việc kiểm định thì rất tích cực" - ông Hiệp cho hay.

Cần có cơ chế giám sát kiểm định đại học

Ông Phạm Hiệp cho rằng, việc xây dựng quy định kiểm định đại học dựa trên cơ sở quy định của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) là hướng đi đúng khi khá nhiều trường ĐH trong nước đã làm quen với các tiêu chuẩn của AUN.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cho rằng, việc đưa công tác kiểm định ra khỏi Bộ GD-ĐT, việc bỏ kết quả đánh giá là đạt và không đạt thành nhiều nấc đánh giá hay thêm vào các tiêu chuẩn đánh giá về kết quả nghiên cứu khoa học hay kết quả đào tạo là điều đáng ghi nhận ở quy định mới.

{keywords}
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng cả quy định hiện tại và dự thảo mới vẫn thiếu chế tài giám sát đối với các trung tâm kiểm định đại học. 

"Trước đây chúng ta chỉ đánh giá quy trình. Tức là xem có bao nhiêu giảng viên, cơ sở vật chất thế nào, tài chính ra sao mà không nói kết quả cụ thể thế nào. Vì vậy, quy định mới có tiêu chuẩn về kết quả là điểm mới đáng kể. Vì xu hướng chung của kiểm định đại học là kiểm định chất lượng".

Ghi nhận việc giao công tác kiểm định cho các cơ quan độc lập là phù hợp với xu hướng quốc tế, song GS Lâm Quang Thiệp lo lắng rằng, dự thảo thấy nói rất nhiều chế tài với cơ sở giáo dục nhưng cơ quan kiểm định thì chẳng thấy nêu chế tài nào cả.

"Cơ quan kiểm định rất quan trọng, có quyền phán quyết cơ sở giáo dục đó là thế nào. Quyền to thế mà chẳng có chế tài nào với nó cả?" - ông Thiệp nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Thiệp cho rằng, việc dự thảo yêu cầu trường ĐH muốn được kiểm định phải ký hợp đồng kinh tế với trung tâm kiểm định thì không ổn bởi có thể xảy ra tiêu cực.

"Hợp đồng kinh tế thì thuận mua vừa bán, nơi nào trả nhiều tiền thì tôi làm tốt, hoặc đánh giá tốt, nơi nào không có tiền thì tôi không đánh giá tốt" - ông Thiệp băn khoăn. Từ đó, ông Thiệp cho rằng, không nên đưa thể lệ ký hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng kinh tế vào quy định.

Trong khi đó, ông Phạm Hiệp thì cho rằng, việc ký hợp đồng kinh tế không phải vấn đề đáng lo ngại vì việc đánh giá chất lượng ở các lĩnh vực khác cũng đều ký hợp đồng kinh tế và các đơn vị tham gia đều phải bảo vệ uy tín của mình và có quyền giám sát chéo lẫn nhau.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng đồng tình quan điểm cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải chỉ rõ các tiêu chí để đánh giá các trung tâm cũng như chế tài kèm theo.

Ông Hiệp khuyến nghị nên học cách làm của Mỹ, thành lập một hội đồng quốc gia gồm thành viên của nhiều bộ, ngành để quản lý, giám sát và đánh giá các trung tâm kiểm định đại học.

GS Lâm Quang Thiệp cũng cho rằng cần phải có một đơn vị "siêu kiểm định" để giám sát hoạt động của các trung tâm kiểm định. "Đây là điều quan trọng trong hệ thống kiểm định đại học" - GS Thiệp khẳng định.

Lê Văn