Chia sẻ về thực trạng đào tạo nghề trên địa bàn, ông Hà Văn Tuấn cho hay, các trường có chất lượng đào tạo nghề càng tốt, những ngành xã hội càng cần thì doanh nghiệp tham gia hợp đồng đào tạo càng nhiều. Ví dụ Trường CĐ Du lịch Huế, rất nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Trung và cả nước tới để hợp đồng đào tạo nghề. Lý do là hiện nay, các ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch, bar, đầu bếp rất thiếu nhân lực.

“Vừa rồi Trường CĐ Du lịch Huế tốt nghiệp 261 học viên nhưng doanh nghiệp tới đặt vấn đề cần tuyển hơn 1000 em. Hay Trường CĐ Công nghiệp Huế hoặc Trường CĐ nghề số 23 và một số trường chất lượng dạy tốt thì rất nhiều doanh nghiệp tới đặt hàng liên kết. Như vậy thị trường đang không đủ lao động để làm việc”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, một ngành nghề khác mà hiện nay ở Thừa Thiên – Huế các doanh nghiệp cũng tìm đến các trường để tuyển người rất nhiều là nghề may.

“Ở Huế có rất nhiều nhà máy may mà mỗi nhà máy cần đến 5000- 6000 công nhân. Hiện nay các trường cũng rất năng động, họ phối hợp với các doanh nghiệp để tạo đầu ra và cũng đảm bảo có nơi cho học viên được thực tập. Trong quá trình giảng dạy, các trường cũng mời doanh nghiệp đến để tham gia vào chương trình, giáo trình giảng dạy để thay đổi liên tục nhằm phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.  

{keywords}
Ở Huế, có nhiều ngành nghề mà doanh nghiệp rất cần lao động nhưng không có nguồn tuyển. Ảnh minh họa: Nguyễn Thảo.

Ngoài ra, các ngành cơ khí, điện, công nghệ ô tô, du lịch… là những ngành đào tạo không kịp cho doanh nghiệp tuyển dụng.

“Bởi không chỉ đào tạo cho thị trường lao động ở Huế mà rất nhiều doanh nghiệp ở những nơi khác về đây tuyển chọn lao động. Ví dụ giờ đây nguồn nhân lực làm trong lĩnh vực du lịch ở khu vực Đà Nẵng là rất thiếu. Bao nhiêu khách sạn, cứ lấy một phòng nhân cho định mức là 1,5 nhân lực thì thấy những ngành đó hiện đào tạo không đủ để phục vụ cho hệ thống khách sạn”, ông Tuấn nói.  

Do đó, theo ông Tuấn, cơ hội có việc làm cho học viên tham gia học những nghề này là khá cao.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, với quy mô các trường đào tạo nghề của Huế thì mỗi năm có thể tuyển sinh và đào tạo tối đa khoảng từ 15.000 đến 20.000 học viên. Song, hiện nay nhiều trường mới chỉ tuyển được 40-50% so với quy mô. Do đó khả năng để có thể đào tạo được thêm là rất nhiều. “Như vậy về quy mô không lo mà chỉ lo thiếu nguồn vào học”.

Hiện nay, trên địa bàn Thừa Thiên – Huế có tổng cộng 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 9 trường CĐ, 5 trường trung cấp, 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện và một số trung tâm dạy nghề khác.

Hải Nguyên

Để giáo dục nghề nghiệp phát triển, xã hội cần thay đổi cả các chính sách tôn vinh

Để giáo dục nghề nghiệp phát triển, xã hội cần thay đổi cả các chính sách tôn vinh

“Không chỉ dựa vào những yếu tố có tính hình thức như bằng cấp, mà tôn vinh bằng giá trị, kỹ năng và đóng góp, cống hiến của từng người thì giáo dục nghề nghiệp sẽ được đẩy mạnh phát triển”.