Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm hướng dẫn các địa phương rà soát thống kê, tổng hợp báo cáo, xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện hỗ trợ thu thập thông tin để tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động làm việc ở các tỉnh phía Nam trở về do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

{keywords}
Sàn giao dịch việc làm là "cầu nối" giữa doanh nghiệp và người lao động (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Theo thống kê, có 2.390 lao động Quảng Ngãi trở về từ các tỉnh phía Nam có nhu cầu tìm kiếm việc làm tại tỉnh.

Do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không thể tập trung đông người, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển sang tổ chức các sàn giao dịch trực tuyến. Đến nay, đã có 7 sàn giao dịch trực tuyến được tổ chức để người lao động tìm kiếm việc làm. 

Tính đến hết tháng 10/2021, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi đã thu thập thông tin 3.720 người tìm việc, 14.967 chỗ làm việc trống. Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu kết nối 1.530 người lao động cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, trong đó có 200 lao động trở về từ vùng dịch Covid-19.

Theo ông Đỗ Tiến Tân - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi - thì từ nay đến cuối năm 2021, người lao động tại Quảng Ngãi, bao gồm lao động trở về từ các tỉnh phía Nam có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại địa phương.

Cụ thể, KKT Dung Quất, các khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Tịnh Phong, Quảng Phú cần tuyển dụng khoảng 6.700 lao động; trong đó lao động có trình độ đại học, cao đẳng 424 người, trung cấp nghề 1.213 người và lao động phổ thông 4.994 người.

Hiện tại, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục củng cố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy công năng các ứng dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử của Trung tâm và phần mềm ứng dụng để phục vụ tốt nhiệm vụ được giao dưới hình thức trực tuyến.

Đồng thời, theo ông Tân, Trung tâm tăng cường khai thác thông tin thị trường lao động, kịp thời nắm bắt thông tin tình hình lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động và sàn giao dịch việc làm.

Phương Chi