Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp mà còn có nền văn hóa đặc sắc với những di tích lịch sử hào hùng, những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, những làng nghề truyền thống bình dị...

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 44 khu di tích lịch sử được công nhận và xếp hạng, trong đó có 30 di tích cấp quốc gia và 14 di tích cấp tỉnh là minh chứng lịch sử về cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc. Trong điều kiện dịch Covid -19 hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, thưởng ngoạn đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh.

Theo đó, trong điều kiện dịch Covid -19 hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tích cực xây dựng sản phẩm du lịch gắn với việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử văn hóa để hình thành các tour du lịch đặc trưng cho địa phương để từ đó, hút khách du lịch.

Được biết, tính đến ngày 28/10 có 94.564 lượt người qua các chốt kiểm soát vào tỉnh Rịa – Vũng Tàu. Lượng người đến gần đây bao gồm người dân trở về nhà, người lao động vào tỉnh làm việc và khách du lịch. Nhìn bằng mắt thường tại các bãi tắm, xe lưu thông trên đường ven biển qua các trung tâm du lịch, các di tích văn hóa... nhất là ngày cuối tuần có thể thấy nhu cầu du lịch khá lớn.

Dưới đây là một số điểm tham quan du lịch mà du khách nên lựa chọn khi đến Bà Rịa - Vũng Tàu dịp này:

Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương là một phần quan trọng trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà tù Côn Đảo. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều du khách viếng thăm khi đặt chân đến Côn Đảo bằng tấm lòng thành kính, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc.

{keywords}
“Địa chỉ đỏ” thu hút nhiều du khách viếng thăm khi đặt chân đến Côn Đảo.

Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo và xây dựng lại năm 1992 trên diện tích 20 ha, gồm 4 khu A, B, C, D. Đây là nơi an nghỉ của nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng kiên trung như nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Anh hùng liệt sĩ Cao Văn Ngọc…

{keywords}
Nghĩa trang Hàng Dương - nơi an nghỉ của nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Mỗi phần mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương là trang sử vĩnh hằng ghi lại những tấm gương trung kiên bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đế quốc.

Đến Nghĩa trang Hàng Dương, khách viếng thăm không thấy vẻ lạnh lẽo cô liêu mà chỉ thấy cảm giác ấm cúng lan tỏa trong tiếng nhạc trầm hùng phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác giữa các phần mộ, hòa cùng tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió thổi vi vu trên cành dương, tạo thành bản nhạc du dương đưa giấc ngủ thiên thu của các anh hùng liệt sĩ về miền cực lạc.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất và lâu đời nhất ở Việt Nam. Nơi đây còn được biết đến là “địa ngục trần gian” với một hệ thống nhà tù kiên cố như: chuồng cọp, chuồng bò, trại Phú Hải, cầu Ma Thiên Lãnh, sở Lò Vôi, sở Muối.

{keywords}
Nhà tù Côn Đảo nhìn từ trên cao.

Trong suốt 113 năm tồn tại (1862 - 1975), hệ thống nhà tù Côn Đảo đã giam cầm, đày đọa hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam.

Nhà tù Côn Đảo cũng được ví như “trường đại học” lớn nhất của những người cộng sản, đào tạo về ý chí ngoan cường, sức chịu đựng bền bỉ và tinh thần đoàn kết.

{keywords}
Phòng tắm nắng và chuồng cọp kiểu Pháp tại Nhà tù Côn Đảo

Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng vượt trên mọi thời đại, là điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà cả nhiều du khách nước ngoài.

{keywords}
Phòng tắm nắng ở Khu chuồng cọp Pháp không có mái che để đày ải tù nhân

 

{keywords}
Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất và lâu đời nhất ở Việt Nam.

Du khách đến đây để tìm về cội nguồn, nhớ về truyền thống cách mạng, mãi mãi biết ơn những hy sinh xương máu của thế hệ cha anh trong thời kỳ dân tộc bị xiềng xích.

Công viên tượng đài, nhà lưu niệm Anh hùng Võ Thị Sáu

Công viên tượng đài, nhà lưu niệm Anh hùng Võ Thị Sáu tọa lạc tại trung tâm huyện Đất Đỏ, nằm giữa trục đường quan trọng quốc lộ 55 và tỉnh lộ 51, nối hai huyện Long Điền và Xuyên Mộc, được khởi công từ năm 1982 đến năm 1985 mới chính thức hoàn thành.

Trước năm 1975, nơi đây là Chi khu cảnh sát của chế độ cũ do chính quyền lập nên, là địa điểm làm việc cũng như là nơi để bắt bớ và tra tấn các lực lượng cách mạng. Sau năm 1975, Huyện ủy, UBND huyện Long Đất đã chọn nơi đây là nơi làm việc của Phòng Công an huyện Long Đất.

{keywords}
Tượng đài tưởng niệm nữ Anh hùng Võ Thị Sáu.

Đến năm 1985, để tưởng nhớ công ơn người con gái anh hùng của quê hương Đất Đỏ cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, quân và dân huyện Đất Đỏ đã cải tạo thành công viên, đặt tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu vào trung tâm khu vực công viên (lúc này tượng đài được làm bằng thạch cao) và đặt tên là Công viên tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

{keywords}
Tượng đài cao 6m đặt trên bệ bê tông cao 2m nằm tại trung tâm khu công viên Võ Thị Sáu.

Đến năm 1986, quân và dân của huyện mới cho dựng tượng đài bằng đồng thay thế tượng thạch cao do nhà điêu khắc Trần Thanh Thanh và các thợ đúc có tiếng ở Bình Dương thực hiện.

Tượng đài cao 6m đặt trên bệ bê tông cao 2m nằm tại trung tâm khu công viên Võ Thị Sáu. Công viên tượng đài, nhà lưu niệm Anh hùng Võ Thị Sáu được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 17/3/1995.

Di tích lịch sử Nhà Tròn Bà Rịa

Từ cầu Long Hương bắc qua dòng sông Dinh êm đềm, uốn lượn chảy giữa lòng thành phố Bà Rịa, bạn đã thấy ngay Nhà Tròn, một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng Bà Rịa. Nhà Tròn là tên quen dùng của nhân dân Bà Rịa để gọi tên tháp nước hay lầu nước (Château d'eau) được chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ, sau khi xâm lược và đặt nền móng đô hộ nước ta.

Nhà Tròn chiếm một vị trí quan trọng, nổi bật giữa trung tâm hợp điểm của 2 đường 27/4/1975 (Lê Lợi cũ) và đường Cách mạng tháng Tám (Thành Thái cũ).

{keywords}
Nhà Tròn, một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng Bà Rịa.

Nhà Tròn là điểm giao lưu chính của các con đường: với lộ 15 ở phía Tây là con đường chính nối liền Sài Gòn, Biên Hòa qua Bà Rịa đến Vũng Tàu; phía Bắc từ Xuân Lộc theo lộ 2 đổ về; phía Đông từ Đất Đỏ theo tỉnh lộ 23 và phía Nam từ Long Hải theo đường 44 ra tỉnh lộ 23 xuống. Nhà Tròn còn là một đài quan sát từ xa rất tốt.

{keywords}
Đây còn là một đài quan sát từ xa rất tốt

Chiều cao Nhà Tròn từ chân lên đỉnh khoảng 20 m kể cả bồn chứa nước phía trên có mái che bằng tôn, đường kính 7,20m. Bồn chứa nước trụ trên tám trụ đứng bằng xi măng cốt sắt, liên kết với nhau bởi các xà ngang. 

Trải qua hơn 1 thế kỷ, Nhà Tròn vẫn giữ nguyên vẻ ban đầu như một nhân chứng của các sự kiện trọng đại dân tộc Việt Nam nói chung và thành phố Bà Rịa nói riêng. Nơi đây giờ đã trở thành điểm sinh hoạt của Đoàn Thanh niên. Di tích một lần nữa không tách rời cuộc sống, cùng hoà hợp với sự chứng kiến từng bước trưởng thành tiến bộ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vườn quốc gia Côn Đảo

Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước.

{keywords}
Điểm đến không thể bỏ lỡ ở Bà Rịa – Vũng Tàu dịp này

Mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho việc sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển.

Hiện nay, Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với 2 loài thường gặp là đồi mồi và tráng đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến 4 bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị với đa dạng các loại hình như câu cá, lặn, xe đạp, đi bộ hay ngắm cảnh thiên nhiên.

Ngọn hải đăng Vũng Tàu 

Nằm ở độ cao 170m so với mặt biển, hải đăng Vũng Tàu là ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

{keywords}
Hải đăng Vũng Tàu là ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Ngọn hải đăng này được xem như biểu tượng của thành phố, có ngọn tháp tròn, được sơn trắng tinh tế nổi bật trên nền trời xanh, giữa những tán cây bao quanh. Lên đến đỉnh tháp, bạn có thể thu vào tầm mắt cả thành phố Vũng Tàu ẩn hiện trong sương. Ở ngay phía dưới, cả rừng hoa sứ rực sáng làm nổi bật nét kiên cố, vững chãi của toàn bộ cụm tháp.

Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh khác gắn liền với cuộc sống cộng đồng của cư dân cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng cho du khách dịp này như: An Sơn miếu, chùa cổ Long Bàn, dinh Bà Cố, khu căn cứ cách mạng núi Dinh, tượng đài chiến thắng Bình Giã…

Hạ An