Giành giật bệnh nhân với tử thần

Trong các đợt dịch lần 1 và lần 2, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cơ sở 2 là cơ sở y tế điều trị chính cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở phía Bắc.

Đây là bệnh viện tuyến cao nhất của chuyên ngành truyền nhiễm. Trong các đợt cao điểm của dịch, bệnh viện đã xây dựng và thực hiện kịch bản chống dịch, dồn toàn bệnh nhân thông thường sang cơ sở Giải Phóng để dành cơ sở Kim Chung làm công tác thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.

{keywords}
Bệnh nhiệt đới Trung Ương cơ sở 2 là điểm "nóng" điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Trong số gần 500 bệnh nhân COVID-19 điều trị ở đây, có hàng chục ca diễn biến tăng nặng rất nhanh, nguy kịch.

Nhờ chủ động, sáng tạo, chăm sóc toàn diện đồng thời theo dõi sát sao diễn biến bệnh nhân, các y – bác sĩ của Bệnh viện đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh nguy kịch, tiên lượng xấu như: Bệnh nhân 19, bệnh nhân 26, bệnh nhân 162, bệnh nhân 793...

Trường hợp bệnh nhân số 19, các bác sĩ túc trực 24/24 trong buồng bệnh. Vì vậy khi bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương tim, biến chứng ngừng tuần hoàn, 3 lần ngưng tim, các bác sĩ đã phát hiện và cấp cứu kịp thời.  

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng là nơi đầu tiên trong cả nước đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân COVID-19 (bệnh nhân 19).

Sau một thời gian bệnh nhân số 19 cận kề với của tử, các bác sĩ ở đây đã nỗ lực đưa bệnh nhân này trở về trạng thái ổn định, dần dần hồi phục như kỳ tích.

Suốt quá trình tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, bện viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chưa có ca nào tử vong. Đây là một thành công vang dội, được trong và ngoài nước ghi nhận.

Nơi tuyến đầu, các cán bộ, nhân viên y tế bệnh viên thường trực với nhiều rủi ro, nguy hiểm. Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế đã quan tâm, dự định thuê khách sạn gần bệnh viện cho cán bộ, nhân viên y tế đến nghỉ. Vì họ đều không về nhà trong thời gian dịch bùng phát phức tạp.

Tuy nhiên, ai nấy đều từ chối, quyết định bám trụ tại bệnh viện từng phút giây, giành thời gian chăm sóc bệnh nhân.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, toàn bộ lãnh đạo, nhân viên và người lao động tự nguyện ở lại bệnh viện trong thời gian chống dịch để sẵn sàng phục vụ người bệnh, người cách ly.

Đó cũng là cách để đảm bảo hạn chế lây nhiễm từ môi trường bệnh viện ra cộng đồng, cũng như từ cộng đồng vào môi trường bệnh viện.

Chiến sĩ giữa thời bình

Trong đợt dịch Covid-19 thứ nhất, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là một trong hai cơ sở y tế cử đoàn tham gia chuyến bay sang Vũ Hán (tâm dịch của Trung Quốc) đưa công dân Việt Nam hồi hương.

Làn sóng dịch thứ hai (từ ngày 25/7 đến nay), Bệnh viện vừa thực hiện nhiệm vụ quốc tế đi đón đoàn hơn 200 công dân Việt Nam từ Guinie Xích đạo về nước với nhiều ca nhiễm Covid-19.

Song song với đó là chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân liên quan ổ dịch ở Đà Nẵng, đồng thời thực hiện kế hoạch chi viện cho Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam khi có yêu cầu.

Với kinh nghiệm từ đợt dịch đầu tiên, Bệnh viện đã điều trị khỏi, cho ra viện 100% bệnh nhân COVID-19 từ Guinie Xích đạo.

Nay toàn bệnh viện chỉ còn 3 bệnh nhân Covid-19 tính đến ngày 14/10, qua kiểm tra sức khỏe các bệnh nhân đều ổn định.

Đoàn nhân viên y tế đi đón công dân từ Guinie Xích đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đảm bảo an toàn, không xảy ra lây nhiễm trên máy bay. Bệnh viện cũng hoàn thành việc cách ly cho toàn bộ phi hành đoàn.

Trong những đợt dịch này, mặc dù nguy cơ lây nhiễm rất cao, đặc biệt với nhân viên y tế thực hiện đặt nội khí quản, ép tim, chăm sóc bệnh nhân… nhưng với với tinh thần “cứu người như cứu hỏa”, vượt qua mọi nguy hiểm, cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện đã vượt qua mọi trở ngại.

Khi miền Trung trở thành tâm dịch, 2 chuyên gia của Bệnh viện đã lên đường, chi viện cho bệnh viện Trung ương Huế.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương là một trong 2 chuyên gia đó.

“Khi đợt dịch thứ 2 bùng phát ở miền Trung thì bệnh viện chúng tôi đang tiếp nhận rất nhiều nhóm bệnh nhân từ nước ngoài về. Do đó tôi không vào chi viện được ngay lập tức mà phải sau 1 tuần, khi tình hình ở viện ổn định mới vào được. 

Chúng tôi cảm thấy mình may mắn hơn vì đã từng tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 trước đó với diễn biến từ nhẹ đến nặng. Vì thế chúng tôi cũng dần dần điều chỉnh được các chiến lược về điều trị, về dự phòng nói chung ở trong bệnh viện”, bác sĩ Cấp nói.

Trong làn sóng dịch thứ 2, bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 phải tiếp nhận những ca bệnh rất nặng từ Đà Nẵng chuyển ra. Chính vì vậy khi bác sĩ Cấp vào đó, thấy họ đang trải qua những bước mà đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã từng trải qua.

Sau 1 tuần, hiệu quả điều trị thấy rõ, bác sĩ Cấp cùng đội ngũ y bác sĩ trong đó kìm được đà tử vong của các bệnh nhân. Dần dần các bệnh nhân khác hồi phục.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện đã có 2 bác sĩ bị lây nhiễm COVID-19 khi cấp cứu cho bệnh nhân.

Bệnh viện đã có sáng kiến dùng thêm mũ chụp có ống oxy lọc khí khi thực hiện các kỹ thuật chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nhằm khắc phục những hạn chế của các thiết bị phòng hộ, đảm bảo hạn chế tối đa việc lây nhiễm.

Ngoài ra, Bệnh viện đã tham mưu cho Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp trên tinh thần vừa thực hiện, vừa nghiên cứu, đảm bảo đáp ứng tốt nhất trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Đến nay, các quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị được áp dụng đã thể hiện giá trị khoa học cao, áp dụng thành công cho các bệnh nhân.

Quang Sơn