Bởi vậy, tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng LHQ mới đây, hoan nghênh Tổng thư ký LHQ đưa ra văn kiện kêu gọi các nước phối hợp hành động cấp bách, Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet nhấn mạnh những thách thức trong bảo đảm quyền con người do biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đặt ra và kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao tinh thần trách nhiệm để bảo đảm các thế hệ tương lai được sống trong tự do, hòa bình, phẩm giá, được bảo đảm các quyền cơ bản về giáo dục, y tế và an sinh xã hội.

Theo bà Michelle Bachelet, các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế về quyền con người, sớm chấm dứt các hình thức phân biệt đối xử để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bao trùm, đồng thời tích cực triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam nhận thức nhanh và hành động kịp thời

Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tình trạng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai ngày càng khó lường và dữ dội như những trận lũ lụt chưa từng có ở miền Trung và hạn mặn kéo dài ở khu vực ĐBSCL.

Các tác động tiêu cực này đã ảnh hưởng rất lớn tới các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật. Chỉ tính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng rõ nhất từ biến đổi khí hậu là dẫn đến mất mùa nên khả năng tái đầu tư, sản xuất của đối tượng này là rất khó khăn vì họ thiếu vốn, cho nên tình trạng nghèo đói của người nghèo sẽ càng nghiêm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Đối với các hộ nghèo, nhà ở tạm bợ nên có nguy cơ ảnh hưởng lớn bởi sạt lở bờ sông, lũ lụt, mưa bão, nắng nóng, nhất là những hộ di cư; nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo cho điều kiện sống, đặc biệt khi có thiên tai và thời tiết cực đoan; cơ sở hạ tầng dành cho đối tượng này yếu cũng gây khó khăn đối với việc đi lại và hỗ trợ cho họ.

Theo tính toán, từ nay đến cuối thế kỷ 21, mức tăng nhiệt trung bình  hằng năm tại Việt Nam ước tính từ 2-3 độ C, dẫn đến mực nước biển tăng, trực tiếp tác động đến 10-12% dân số Việt Nam và gây thiệt hại khoảng 10% GDP.

{keywords}
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể kéo lùi những thành tựu phát triển của ĐBSCL trong thời gian qua

Là một quốc gia đang phát triển nên những tác động này đối với Việt Nam là rất lớn. Theo các nghiên cứu, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể kéo lùi những thành tựu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là việc đe dọa đến những quyền cơ bản của con người. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã có những hành nỗ lực ứng phó với thiên tai qua việc giảm thiểu rủi ro, đẩy mạnh công tác chuẩn bị và xây dựng nhiều kịch bản khác nhau về tác động của biến đổi khí hậu.

Hoạt động này tiếp tục khẳng định chính sách của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền của con người, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.

Trong đó phải kể tới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với mối lo chung toàn cầu về tình trạng biến đổi khí hậu. Trên các diễn đàn hợp tác về chống biến đổi khí hậu hoặc các cuộc tiếp xúc ngoại giao, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định thực thi các cam kết quốc tế, triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế liên quan và mong muốn hợp tác với các quốc gia trong lĩnh vực này.

Tại phiên họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York (Mỹ), Việt Nam đã cùng các các nước lên tiếng ủng hộ sự ra đời của một bản Thỏa thuận mới khẩn cấp về con người và thiên nhiên.

Trong một đoạn phim ngắn chiếu tại sự kiện “Các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và con người”, Thủ tướng nước ta đã khẳng định: “Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở vị trí quan trọng trong nghị quyết và định hướng phát triển”.

{keywords}
Mưa lũ tại Lệ Thủy, Quảng Bình

Cần phải nhắc tới một trong những sáng kiến ghi dấu ấn nhiệm kỳ của Việt Nam khi đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (2014-2016) về biến đổi khí hậu. Với vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến liên quan đến nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Theo sáng kiến của Việt Nam, Nghị quyết về biến đổi khí hậu do Việt Nam, Philippines và Bangladesh đồng tác giả tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền của phụ nữ, đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua.

Đáng chú ‎‎‎ý, sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ, mặc dù không còn là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ sau 2 lần đảm nhận cương vị này, Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi các sáng kiến đã đề xuất tại hội đồng, bao gồm sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các sáng kiến tương tự hoặc các chủ đề liên quan đến những nội dung này ở các diễn đàn song phương và đa phương như Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ (ECOSOC), Hội đồng Chấp hành UNESCO. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng có thể lồng ghép các nội dung quan tâm trong hoạt động tại các cơ chế của ASEAN, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).

Nhận thức đúng đắn và khoa học về những tác hại của BĐKH để có những giải pháp và hành động thiết thực là yêu cầu cấp thiết. Bảo vệ môi trường nói chung, ứng phó với BĐKH và bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về BĐKH nói riêng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc Nhà nước ghi nhận và bảo vệ quyền con người được sống trong một môi trường trong lành.

Như Sỹ