Chuyển biến để đảm đương nhiệm vụ kép

Thực tế gần 2 năm qua cho thấy địa phương nào mà lãnh đạo chủ động, vào cuộc quyết liệt, sát sao, kịp thời với các biện pháp chống dịch triệt để, dứt khoát, coi trọng chuyên môn thì địa phương đó đạt kết quả ấn tượng cả trong chống dịch cũng như trong duy trì và phát triển kinh tế. Giờ đây, những điểm sáng này đang vững tin tiến bước vào “thời bình thường mới”.

{keywords}
Địa phương nào chủ động, quyết liệt, đều đạt kết quả ấn tượng trong triển khai nhiệm vụ kép

Tuy vậy, chúng ta cũng đối mặt một loạt khó khăn, thách thức không dễ vượt qua. Nền kinh tế bị tổn thương không hề nhẹ, sức khỏe nhiều doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng, có tới hơn 85 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua. Thị trường, logistics, nhân lực đều bị xáo trộn lớn, không ít chuỗi cung ứng, sản xuất nội địa và quốc tế bị đứt gãy… Sinh kế của số đông dân chúng bị ảnh hưởng, nhiều người lao động bị mất hay giảm thu nhập…

Ngân sách eo hẹp trong khi mức thu thuế giảm. Hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, dịch Covid-19 mới chỉ tạm ổn, nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào và khả năng có thể phải giãn cách, thậm chí phong tỏa trên diện rộng vẫn là một phương án để ngỏ như là biện pháp cuối cùng.

Có 2 “trọng bệnh” dễ thấy hơn cả. Thứ nhất, bệnh quan liêu, chống dịch bằng văn bản, dịch bùng phát với số ca nhiễm tăng vọt mỗi ngày nhưng việc chống dịch vẫn hời hợt, thực hiện giãn cách không triệt để, hậu quả là thời gian giãn cách dài nhưng dịch vẫn bùng phát, tổn thất và hệ lụy lớn không thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Vấn đề đáng lo ngại hơn là năng lực cán bộ của bộ máy chính quyền ở không ít nơi còn bất cập. Đợt dịch bệnh thứ 4 này cho thấy những yếu kém của đội ngũ cán bộ, từ cấp phường cho tới quan chức đứng đầu tỉnh, thành. Nếu không có chuyển biến rõ rệt thì khó có thể đảm đương nhiệm vụ kép khó khăn gấp bội trong thời bình thường mới.

Có những quan chức đứng đầu tỉnh chống dịch lơ mơ, không nắm rõ tình hình dịch bệnh tỉnh nhà khiến cho tỉnh đang là vùng xanh rờn nhanh chóng chuyển sang đỏ rực. Mới có một nhiệm vụ chống dịch còn không làm đến nơi đến chốn thì liệu họ có thể đảm đương tốt nhiệm vụ khó khăn gấp bội trong thời bình thường mới khi vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?

Hai là, dập dịch “dập” luôn cả doanh nghiệp, sinh kế của người dân, kiểu ngăn sông cấm chợ, gây khó khăn không đáng có cho lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, sự máy móc, đủ loại giấy tờ, thủ tục nhiêu khê thay đổi theo ngày, lạm dụng giãn cách, một xã có ca nhiễm giãn cách cả huyện, hy sinh thực hiện giãn cách nhưng không có mục tiêu cụ thể...

Quyết sách lớn cần dựa vào chuyên môn, khoa học

Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong thời bình thường mới là nhiệm vụ phức tạp, ảnh hưởng tới sinh mệnh, sinh kế của hàng triệu người, sự tồn vong của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi vậy, các quyết định, chính sách lớn cần dựa vào chuyên môn và các bằng chứng khoa học, nhất là chuyên môn về dịch tễ, y tế…

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần lập các đội đặc nhiệm tinh nhuệ, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học tài năng đã được giới chuyên môn, cộng đồng khoa học thừa nhận và xã hội biết đến. Trước hết, cần lập Đội đặc nhiệm về đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh; Đội đặc nhiệm phục hồi, phát triển kinh tế… Các đội đặc nhiệm thực hiện việc thiết kế khung khổ đối với những vấn đề lớn cấp thiết như xây dựng Bộ quy tắc chung đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh; Quy tắc chung đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, di chuyển lao động thông suốt cả nước.

Việc thiết kế cơ chế, chính sách cần chú ý đảm bảo doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi trên thực tế. Ví dụ, đối với việc cấp phép xây dựng, thay vì chỉ quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét để cấp giấy phép trong 20 ngày, cần có thêm quy định hết thời hạn này mà cơ quan không cấp phép cũng không có thông báo lý do bằng văn bản thì người xin cấp phép được khởi công xây dựng và gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép; cơ quan này chịu trách nhiệm như đã cấp giấy phép. Như vậy, cơ quan sẽ tích cực hơn trong việc cấp phép đúng hạn cho doanh nghiệp, người dân…   

Tóm lại, nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới rất hóc búa, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và do vậy, cần có sự đổi mới đột phá để trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ trị tài năng, tinh nhuệ với tinh thần đổi mới sáng tạo, thực tài, để biến nguy thành cơ, đưa đất nước nhanh chóng phục hồi, bứt phá, phát triển theo quỹ đạo đổi mới sáng tạo.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Hùng Mạnh