Ngày 13/5/2021, Việt Nam có 984 người điều trị Covid-19, vượt ngưỡng có dịch là 976 người (10 người đang điều trị/triệu dân). Chỉ sau hơn 4 tháng, dịch đã để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Tăng trưởng 9 tháng năm nay chỉ đạt 1,42%, thấp nhất từ khi công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý (2000). Mức sụt giảm tăng trưởng năm 2020 so với năm 2019 là -4,1% GDP, mức giảm lớn nhất từ 1995 đến nay.

Thực hiện nghị quyết 68 của Chính phủ ngày 1/7, nghị quyết 116 ngày 24/9 và quyết định số 28 mới ban hành ngày 1/10, đã có 18,32 triệu lao động được hỗ trợ 15.300 tỉ đồng (bình quân 835.000 đồng/người), 9,1 triệu người đã được cấp 136.350 tấn gạo (bình quân 15kg/người). Riêng kinh phí dành để thực hiện nghị quyết 68 và quyết định 28 là 64.000 tỉ đồng, đến nay chi được 15.300 tỉ, bằng 24% kế hoạch.

{keywords}
Những khó khăn do dịch bệnh đòi hỏi giải pháp chưa từng có.

Theo Bộ KH-ĐT, tổng kinh phí cho các gói hỗ trợ đã và đang được chuẩn bị năm nay là khoảng 10 tỉ USD, tương đương hơn 2% GDP.

Như vậy, với mức suy giảm tăng trưởng năm 2020 so với 2019 là 4,1%, thì mức chi để khắc phục hậu quả suy giảm kinh tế và các vấn đề xã hội do đại dịch gây ra là khoảng 0,55% GDP cho 1% suy giảm tăng trưởng GDP.

So với hệ số CPNC bình quân để khắc phục SGTTKT do Covid-19 gây ra ở 8 nước có thu nhập trung bình, bảng 1, là 1,4% GDP cho 1% suy giảm tăng trưởng, thì mức chi của Việt Nam chỉ bằng khoảng 40%.

Do Quốc hội không có chủ trương sử dụng nợ công để chi khắc phục hậu quả của dịch năm 2020 và 2021, chỉ tiêu bội chi ngân sách 2 năm này là 3,44% GDP và 4% GDP nên tổng kinh phí Chính phủ có thể huy động chỉ có thể ở mức khoảng 2% GDP. Nợ công 3 năm 2019, 2020, 2021 hầu như không thay đổi

4 điểm khác biệt nổi bật

Khảo sát cách 20 nước ứng phó với hậu quả của đại dịch, chúng ta thấy về cơ bản nội dung các giải pháp của họ và của Việt Nam là giống nhau, song có 4 điểm khác biệt nổi bật:

1. Các gói hỗ trợ của họ đều đưa ra rất sớm, từ đầu 2020, sau đó liên tục được bổ sung cho đến đầu 2021, còn của ta triển khai chủ yếu vào giữa năm 2021.

2. Tốc độ triển khai các giải pháp của họ rất nhanh, còn các gói giải pháp hỗ trợ theo nghị quyết 68 của Chính phủ đến nay mới chi được 24% kinh phí.

3. Đối tượng được hỗ trợ của họ rộng, chi tiết, đặc biệt hỗ trợ người dân, người lao động, trẻ em, DN vừa và nhỏ, người tự kinh doanh, trường học, bệnh viện, hoạt động văn hóa và phi lợi nhuận, DN ngành dịch vụ ăn uống, các nhà hàng, siêu thị, DN nghiệp vận tải, công nghệ thông tin, DN lớn có cơ chế hỗ trợ riêng. Đặc biệt, chính phủ có nguồn nợ công để hỗ trợ tài chính giúp các bang, thành phố thiếu hụt ngân sách do người đóng thuế bị ảnh hưởng bởi dịch. 

Chi lớn từ ngân sách lúc này không phải là mất mà là được

Việc 20 nước này chi lớn từ ngân sách được tăng cường bởi nợ công không phải là mất mà là được: Ổn định được cuộc sống của người dân, ổn định xã hội, bảo vệ năng lực kinh tế của đất nước ở mỗi DN, do đó khi hết dịch, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể nhanh chóng hoạt động trở lại, đem lại tăng trưởng cho đất nước và nguồn thu cho ngân sách.

Chúng ta không theo mô hình ứng phó với suy thoái kinh tế của 20 nước này. Suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 2020 là -3,7% GDP, còn ít hơn của Việt Nam (-4,1% GDP) nhưng Trung Quốc đã triển khai các gói hỗ trợ lớn hơn rất nhiều (tính theo giá trị % GDP) qua sử dụng nợ công.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy năm 2021 và 2022, Việt Nam có cần một gói hỗ trợ người dân, người lao động và DN lớn hơn nhiều so với các gói đang triển khai (khoảng 2% GDP) để cuối năm 2021 và năm 2022 phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế, hay tiếp tục không sử dụng nợ công như nguồn tài chính công chủ yếu để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Nếu quyết định không dùng nợ công để hỗ trợ người lao động, người dân, DN như đã làm 2 năm qua, chúng ta cần dự báo rất thận trọng hậu quả đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội 2021, 2022, 2023.

Nếu chúng ta quyết định sử dụng nợ công để có nguồn lực tài chính công lớn theo kinh nghiệm của 20 nước, thì tháng 10 Chính phủ phải trình Quốc hội cho phép làm việc này, vì nó trái với luật Quản lý nợ công 2017. Theo đó, nợ công chỉ được chi cho đầu tư phát triển, còn chi hỗ trợ người dân thiếu thu nhập, công nhân mất việc làm, DN có nguy cơ phá sản không phải là đối tượng chi được luật cho phép.

Trần nợ công giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội quy định là 65% GDP, còn giai đoạn hiện nay 2021 - 2025 là 60% GDP. Như vậy, với mức nợ công hiện nay khoảng 55,6% GDP, chúng ta chỉ có thể tăng nợ công thêm khoảng 2,5% GDP (cần dự trữ khoảng 2% GDP trước khi đạt trần để ứng phó với các tình huống bất ngờ trong tương lai).

Năm 2020 và 2021, 4 nước ASEAN Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia đã tăng nợ công thêm từ 9,8 - 14,9% GDP, còn bình quân 8 nước có thu nhập trung bình (bảng 1), tăng 11,24% GDP. Từ thực tế này và điều kiện của Việt Nam, tôi đề nghị nên tăng nợ công thêm khoảng 6,5% GDP (bằng 2/3 mức tăng của Malaysia (9,8%) và 51% mức tăng bình quân của 4 nước ASEAN), tương đương 22 tỉ USD.

Lúc này, hệ số CPNC để khắc phục SGTTKT bằng 1,58% GDP, tương ứng bình quân của 8 nước có thu nhập trung bình (bảng 1). Tổng nợ công sẽ là 62,1% GDP, còn dự trữ khoảng 3% GDP trước khi chạm trần nợ công 65% GDP. Để làm được điều này, như kinh nghiệm của Đức năm 2020, Quốc hội cần có nghị quyết cho phép tăng trần nợ công từ 60% lên 65% GDP trong một số năm (ví dụ 3 năm).

Về nguồn vay nợ công 510.000 tỉ đồng (22 tỉ USD), phương thức dễ làm và an toàn hiện nay là Chính phủ phát hành trái phiếu có kỳ hạn và NHNN mua, trên cơ sở dự trữ ngoại hối của NHNN hiện nay là 100 tỉ USD. Đây là cách mà nhiều nước đã làm trong 2 năm 2020 - 2021 để có nguồn nợ công phục vụ phòng chống Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế (Nhật Bản, Anh, Canada, Úc).

Hai năm liên tục 2020, 2021, chúng ta phải đối mặt với dịch Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng chưa từng có, tăng trưởng kinh tế 2 năm dưới 4% là điều chưa từng có trong 25 năm qua. Theo kinh nghiệm của 20 nước ở 4 châu lục, tình huống này đòi hỏi giải pháp chưa từng có: tăng nợ công đủ lớn, sử dụng nợ công như nguồn lực tài chính công chủ yếu để khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Trung Kiên (lược trích ý kiến của GS Nguyễn Thiện Nhân, ĐBQH đoàn TP.HCM