Thời gian qua, khu vực ASEAN đang chứng kiến sự chuyển dịch lao động theo các xu hướng khác nhau. Cho tới nay, trong Cộng đồng ASEAN, việc công nhận lẫn nhau, chuyển đổi về kỹ năng nghề trong một số lĩnh vực và một số nghề sẽ tạo điều kiện cho công dân các nước ASEAN tìm được việc làm ngoài phạm vi nước mình với mức lương hợp lý, hấp dẫn hơn.

Cộng đồng ASEAN đã có tuyên bố về đào tạo nhân lực phục vụ dịch chuyển tự do. ASEAN cũng đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực trong ASEAN và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ lành nghề của cơ quan chính thức đối với 8 nghề được “tự do” chuyển dịch: Kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch.

{keywords}
Sự dịch chuyển lao động có kỹ năng sẽ tạo ra cơ hội hấp dẫn cho người lao động trong khu vực ASEAN, điều này đòi hỏi các trường đại học cần chuẩn hóa các chương trình đào tạo để đáp ứng xu thế này.

Các tuyên bố về nâng cao chất lượng và kỹ năng lao động tại các nước thành viên ASEAN có đề cập: "Xây dựng khung kỹ năng nghề quốc gia trong các nước thành viên ASEAN thông qua chia sẻ kinh nghiệm và những điển hình tốt được coi là một chiến lược quan trọng nhằm tăng cường phát triển, quản lý nguồn nhân lực, giúp các nước thành viên nâng cao trình độ tiêu chuẩn kỹ năng liên quan như là một bước đi quan trọng hướng tới một bộ khung công nhận trình độ tay nghề lẫn nhau trong ASEAN.”

Các văn bản Chiến lược Phát triển Giáo dục, Chiến lược Phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 cũng như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đều xác định một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng khung trình độ quốc gia phù hợp với khung trình độ của khu vực và thế giới.

Giáo sư, Tiến sỹ Franco Gandolfi, hiện là Trưởng khoa Khoa kinh tế và Quản trị trường Đại học Hoa Sen trong cuộc trò chuyện với báo chí mới đây đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này: Sự dịch chuyển lao động có kỹ năng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho người lao động trong cộng đồng ASEAN, điều này đòi hỏi các trường đại học cần chuẩn hóa các chương trình đào tạo để đáp ứng xu thế này.

Tiến sỹ Franco Gandolfi nhấn mạnh, “cộng đồng toàn cầu” hay “nền kinh tế toàn cầu” đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ kể từ thập niên 80.

Toàn cầu hóa, chủ yếu do công nghệ thúc đẩy, đã tác động sâu sắc và phá vỡ nhiều “rào cản” bao gồm sự chuyển dịch lao động địa phương, trong khu vực và trên trường quốc tế. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Những thách thức đó bao gồm nhiều hình thức khác nhau của việc “thu hoạch chất xám”; “chảy máu chất xám” và “lưu thông chất xám.”

Những lao động có kỹ năng trung bình không những cần phải cạnh tranh trong nước mà phải cạnh tranh trong khu vực và thậm chí toàn cầu. Chỉ những lao động "lành nghề" và có năng lực sẽ có nhiều cơ hội việc làm và đảm bảo lâu dài.

Sự dịch chuyển lao động có kỹ năng sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho nhà tuyển dụng lẫn người lao động. Đặc biệt, cộng đồng ASEAN, sẽ là những quốc gia đầu tiên hưởng lợi từ hiện tượng toàn cầu này.

Lương Bằng