Hẳn nhiều người còn nhớ, bệnh nhân Covid-19 số 91, 43 tuổi, phi công của Vietnam Airlines, nhập viện điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM từ ngày 18/3.

Bệnh tình của bệnh nhân rất nặng do bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ.

Các bác sĩ thường xuyên phải hội chẩn để đưa ra giải pháp cứu chữa. Bộ Y tế đưa ra hai phương án: ghép phổi hoặc chuyển người này về Anh.

{keywords}
Phi công Anh hồi tỉnh sau thời gian hôn mê vì Covid-19

Sau hơn 2 tháng chữa trị, bệnh nhân 91 đã được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa trong tình trạng phổi đông đặc, xơ hết cả hai bên phổi.

Sự sống gần như lệ thuộc hoàn toàn vào ECMO, phải tính đến phương án ghép phổi.

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM chia sẻ, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên khu vực phía Nam và là đơn vị thứ 2 trong cả nước được trang bị hệ thống ECMO.

Theo BS Phạm Thị Ngọc Thảo, kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo hay còn gọi là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể) là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao.

Trường hợp phi công Anh, đã nhiều lần tiên lượng rất xấu. Trong 58 ngày chạy ECMO, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thay 7 màng ECMO cho bệnh nhân 91.

Để giành lại sự sống cho bệnh nhân, các bác sĩ đã phải suy tính rất kỹ xem nên dùng thuốc nào và tiến hành thay màng ECMO để bệnh nhân không ngưng tim.

"Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi phải cân nhắc, chi li kỹ lưỡng để bệnh nhân không tử vong. Có nhiều ngày căng thẳng suốt từ sáng đến đêm" - PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo vẫn nhớ như in những ngày tham gia điều trị cho bệnh nhân.

Sự tận tâm, nỗ lực của các bác sĩ đã mang đến sự thần kỳ. Chiều 27/5, Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo phi công Anh bắt đầu ngưng thuốc giãn cơ, giảm liều thuốc an thần. Sau khi dừng hẳn thuốc an thần, người bệnh bắt đầu có tín hiệu tỉnh, có thể tiếp xúc được.

Tiếp đó, bệnh nhân dần dần tiến triển tốt dần lên, phản xạ ho sặc khá hơn, có thể cử động đầu ngón tay, mặc dù tình trạng liệt cơ hoành, yếu liệt các chi vẫn còn.

Sau khi cai ECMO phi công Anh tỉnh, tiếp xúc tốt, mạch, huyết áp ổn định, đang thở máy. Đặc biệt, Sau thời gian lọc máu chức năng gan, thận phục hồi hoàn toàn.

{keywords}
Phi công Anh đã chiến thắng Covid-19 nhờ sự tận tụy và chuyên môn cao của thầy thuốc Việt Nam.

Phổi từ lúc chỉ còn 10%, tình trạng viêm phổi đã cải thiện, bạch cầu và các chỉ số viêm trở về mức bình thường. Bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân dùng kháng sinh, vật lý trị liệu, dinh dưỡng.

Ngày 15/6, phi công Anh đã cai được thở máy 3 ngày, tự thở với oxy hỗ trợ 2 lít/phút. Bệnh nhân tỉnh, có thể giao tiếp tốt bằng lời nói, tiếp xúc tốt, chức năng thận đã phục hồi, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. 

Bộ Y tế thông báo, bệnh nhân đã đủ điều kiện xuất viện. Tính tới 6/7, bệnh nhân 91 đã qua 111 ngày điều trị, là bệnh nhân Covid-19 điều trị lâu nhất tại Việt Nam.

{keywords}
Phi công người Anh tập đi với sự giúp đỡ của nhân viên y tế Việt Nam

Sáng 12/7 sau khi được điều trị khỏi bệnh, nam phi công đã lên máy bay Boeing 787-10 tại Nội Bài về nước.

Khi về Vương quốc Anh, bệnh nhân tiếp tục liệu trình vật lý trị liệu. Tới nay bệnh nhân gần như đã bình phục, anh có thể sinh hoạt, đi lại được một đoạn đường.

Ông Ian Gibbons, Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM, đã gửi thư cảm ơn  đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các bác sĩ, điều dưỡng đã làm việc không mệt mỏi, dành điều kiện tốt nhất để cứu chữa cho bệnh nhân 91.

{keywords}
Bệnh nhân 91 đang phục hồi tốt. Ảnh: BBC

Trả lời phỏng vấn của BBC, phi công Anh không quên nhắn gửi cộng đồng về virus Covid-19: “Tôi là bằng chứng sống về việc virus có thể gây ra điều gì và nguy hiểm như thế nào. Mọi người có thể phàn nàn khi phải rửa tay, giãn cách xã hội, cách xa nhau 2m… nhưng tôi đã bị nhiễm bệnh và mất 10 tuần chữa trị. Đó không phải chuyện đùa. Đó là một vấn đề nghiêm trọng”.

Mỹ Lan