Trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng” với nhiều nội dung mới, yêu cầu mới.

Điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII vừa qua là yêu cầu việc tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải được đẩy mạnh hơn, thực hiện mạnh mẽ hơn, với những giải pháp đầy đủ, đồng bộ hơn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đạt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế ở mức cao hơn.

{keywords}
Ảnh minh họa Quốc Tiến

Từ Đại hội Đảng lần thứ XI, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng được đề cập đến. Qua mỗi Đại hội, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng tiếp tục được cập nhật cho phù hợp với bối cảnh thế giới và thực tiễn ở nước ta. Qua hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII (10 năm), việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tuy đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa tạo được bước chuyển căn bản sang mô hình phát triển kinh tế mới. 

Trong văn kiện của Đại hội XI, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng là chuyển “từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”. Đại hội XII tiếp tục xác định “kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu”; đồng thời bổ sung thêm “nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo”.

Tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với hơi thở của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, câu chuyện đổi mới mô hình tăng trưởng được nhấn mạnh ở từ khóa “đổi mới, sáng tạo”. Cụ thể: “chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Vì thế, nếu Đại hội XII đề ra các chỉ tiêu phấn đấu: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 30-35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 5%/năm; thì Đại hội XIII đề ra chỉ tiêu ở mức cao hơn hẳn: Đến năm 2025, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; đến năm 2030: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

Có thể nói, vấn đề trung tâm của đổi mới mô hình tăng trưởng của Đại hội XIII là phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; từ đó, đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế; khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới, nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Chính vì vấn đề trung tâm của đổi mới mô hình tăng trưởng là đổi mới sáng tạo, nên sự vận dụng “trúng” và “đúng” với tình hình thực tiễn ở địa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuyết Nhung