Sau hơn 30 năm đổi mới, huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã trở thành một trong những vựa sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh lớn nhất nước. Theo Phòng NN-PTNT Văn Giang, đến hết năm 2019, diện tích gieo trồng hoa, cây cảnh (HCC) trong toàn huyện đạt trên 1.100ha, giá trị thu nhập đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100ha và 150 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phụng Công hồ hởi cho biết, những năm qua, từ chủ trương của Ủy ban nhân dân huyện Văn Giang khuyến khích hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để góp phần xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đã hình thành.

{keywords}
Nhiều hộ dân ở thôn Bến, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây rau màu sang trồng hoa lan.

Xã Phụng Công là một trong những xã thực hiện sớm việc chuyển đổi chuyên canh sản xuất mới với việc vận động các hộ dân chuyển sang trồng hoa lan, đồng thời phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cao để trang bị thêm kiến thức cho các hộ. Thôn Bến là một trong những điểm sáng trong việc làm kinh tế bằng mô hình trồng lan.

Chị Vũ Thị Phượng ở thôn Bến, xã Phụng Công khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, sau hơn 10 năm đam mê trồng hoa lan hồ điệp, chị đã có được gia sản khá đồ sộ, bao gồm 1 căn nhà trong khu đô thị Ecopark trị giá chục tỷ đồng, gần 1.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới đồng bộ với các trang thiết bị ươm trồng hoa hiện đại, cho thu nhập ổn định trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm, còn tích tụ được nhiều diện tích canh tác trên địa bàn đang mở rộng qui mô sản xuất.

Khi được hỏi quá trình khởi nghiệp, chị Lê Thị Yến chia sẻ, năm 2002, gia đình mạnh dạn vay vốn và nhận thầu hơn 6000 mét vuông đất ngoài bãi sông Hồng để trồng hoa. Sau đó, cùng với kinh nghiệm làm vườn và kiến thức học trong các lớp tập huấn do xã tổ chức, anh chị đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp nuôi cấy mô thành công cho giống hoa lan Hồ Điệp. Không dừng lại ở sự thành công ban đầu này, hai anh chị vẫn tiếp tục nghiên cứu để cải tiến qui trình kỹ thuật, mở rộng qui mô sản xuất. Ban đầu là từ mô hình vườn nhà nhỏ hẹp đến nay đã là trang trại nhà kính hiện đại trên 3000m2 với việc trồng hàng chục loại lan rừng.

Ông Nguyễn Đức Ngả, một trong những hộ mạnh dạn đầu tư nhà giàn, hệ thống phun tưới để trồng lan theo công nghệ cao. “Bát Bảo trồng khá khó nên chỉ có 3,4 hộ trong thôn trồng được. Giống hoa Bát Bảo phải trồng dưới bóng cây thì thân sẽ dài, hoa đẹp và thơm. Ngọn lan Bát Bảo thường ra rất chậm nên giá khá cao, có lúc bán được hơn 20 triệu/ngọn”, ông Ngả chia sẻ.

Đến thôn Bến hôm nay, người ta sẽ ngỡ ngàng khi thấy một vùng hoa lan công nghệ cao với vô vàn nhà kính cùng những hệ thống nhà trồng không khác gì vùng hoa Đà Lạt. Hiện nay, khi mô hình trồng lan bắt đầu lan rộng, đã có vài hộ trong thôn Bến đầu tư phát triển mô hình trồng hoa lan công nghệ cao.

Hầu hết các hộ dân ở thôn Bến đã trở nên khá giả, nhà cửa khang trang nhờ thu được lợi nhuận từ mô hình trồng hoa lan. Thu nhập trung bình của người dân trong xã ước tính đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, thậm chí có nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh áp dụng công nghệ cao cho thu nhập “khủng” đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm.

Ngọc Dũng
Ảnh: Kiên Trung