Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có tờ trình về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng, giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo đó, mục tiêu của đề án là phát triển, hình thành đội ngũ nhân lực, chuyên gia An toàn an ninh mạng (ATANM) đủ kỹ năng, trình độ, đáp ứng yêu cầu của các bộ, ban, ngành, địa phương; Nâng cao khả năng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tự đề kháng, phòng, chống các mã độc, lừa đảo, tấn công, sự cố an toàn an ninh mạng; Xây dựng được một số cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT có chất lượng tương đương các nước trong khu vực; Nâng cao năng lực quốc gia về bảo đảm ATANTT, bảo vệ vững chắc chủ quyền không gian mạng Việt Nam.

{keywords}
Bộ Thông tin và truyền thông sẽ ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, dự án đào tạo ngắn hạn về ATANM trong và ngoài nước. Ảnh minh họa

Về mục tiêu cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp để tổ chức được 3.000 lượt đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ kỹ thuật; 3.000 lượt đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ lãnh đạo quản lý; 6.000 lượt đào tạo ngắn hạn cho người dùng là công chức, viên chức.

Ngoài ra, tổ chức đào tạo được 200 chuyên gia cao cấp về ATANM; Đưa được 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATANM ở nước ngoài, trong đó có 100 tiến sĩ; 4.000 kỹ sư, cử nhân về ATANM.

Đặc biệt, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Thông Tin và Truyền thông cũng đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện. Trong đó  gồm các các giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ, xây dựng, triển khai áp dụng chuẩn kỹ kỹ năng,  kiến thức cho cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý…

Bên cạnh đó, Bộ cũng ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, dự án đào tạo ngắn hạn về ATANM trong và ngoài nước; Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực An toàn an ninh thông tin.

Anh Dũng