Chín tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19, nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn tăng trưởng 3,8% và dự kiến cả năm 2020 đạt hơn 4,1%.

Thành phố đã công nhận thêm hai xã đạt chuẩn NTM và hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM của thành phố lên 355 xã, đạt gần 93%, trong đó 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với cấp huyện, thị xã Sơn Tây đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Các huyện: Thạch Thất, Thường Tín và Phúc Thọ đã trình hồ sơ để xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện: Thanh Oai, Sóc Sơn và Phú Xuyên hoàn thành các tiêu chí, đủ điều kiện công nhận huyện NTM, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

{keywords}
Huyện Đan Phượng đang tập trung xây dựng NTM đi vào chiều sâu.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố đã đầu tư hơn 56.510 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đặc biệt, thành phố huy động được 4.810 tỷ đồng vốn xã hội hóa, trong đó người dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất… trị giá gần 2.000 tỷ đồng.

Tính đến nay, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa gần 79.500 ha, kết hợp quy hoạch sản xuất, cải tạo giao thông thủy lợi nội đồng. Theo đó, chuyển đổi hơn 40.200 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung hiệu quả kinh tế cao, như vùng trồng rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức; vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Mê Linh; vùng trồng cây ăn quả ở các huyện Thanh Oai, Gia Lâm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ. Thành phố xây dựng thành công 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hơn 140 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 40 nhãn hiệu hàng hóa tập thể được bảo hộ, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản sạch, an toàn, chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân... Nhờ đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng trung bình hơn 2,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng/năm.

Văn Bắc
Ảnh: Lê Anh Dũng