Từ các chương trình, dự án giảm nghèo như: Chương trình 30a; Chương trình 135; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới..., huyện Điện Biên Đôn, tỉnh Điện Biên đã ưu tiên phát triển sản xuất. Đồng thời, tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như, làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế…

Bên cạnh đó Điện Biên Đông đã triển khai hỗ trợ đúng đối tượng chính sách. Cụ thể, năm ngoái, huyện Điện Biên Đông đã phê duyệt 14 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ mua 294 con bò và 42 con trâu hỗ trợ cho 349 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng; 2 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn kinh phí Chương trình 135 với 62 hộ tham gia, tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 754 triệu đồng để mua 43 con bò và 19 con trâu sinh sản; gần 99% số hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tổ chức cho gần 2.500 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài huyện và nước ngoài. 

{keywords}
Đời sống người dân được nâng cao nhờ thực hiện hiệu quả Chính sách dân tộc. 

Ngoài ra, huyện cũng giải ngân hàng chục tỷ đồng cho các chương trình khác về giảm nghèo như: Hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ về giáo dục; đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Nhờ vậy đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 5%, xuống còn 50%.

Theo ông Lò Văn Thao, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ðiện Biên Ðông, với các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện đã nghiên cứu đầu tư có trọng tâm trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trong đó, việc đầu tư xây dựng hàng chục công trình nước sinh hoạt, đường giao thông liên bản, thủy lợi. Các công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa của Nhân dân, phục vụ sản xuất. 

Ðến nay, cơ bản các xã có đường ô tô đến trung tâm, nhiều tuyến đường liên xã, liên bản được nâng cấp; 100% số xã trên địa bàn có điện lưới quốc gia; trên 85% dân số được sử dụng nguồn nước sinh hoạt; 100% số xã có sóng điện thoại di động. Hệ thống trường lớp học được đầu tư xây dựng, trên 80% phòng học ở các điểm bản được kiên cố. Số trạm y tế đạt chuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. 

“Có thể thấy các chính sách dân tộc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, thu nhập giúp bà con từng bước thoát nghèo. Những kết quả đó là động lực cho đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục vươn lên, xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, góp phần thu hẹp khoảng cách văn hóa - xã hội với vùng thấp”, ông Thao nhấn mạnh.

Hồng Nhì
Ảnh: Thục Anh