Mô hình nuôi trâu, bò sinh sản tại xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng được triển khai từ năm 2017, đến nay, nhiều hội viên nông dân trong xã phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ nguồn vốn vay của Quỹ “HTND” Trung ương, xã triển khai mô hình nuôi trâu, bò sinh sản.

{keywords}
“Đòn bẩy” giúp hàng nghìn lượt nông dân giảm nghèo bền vững. 

Đã có 12 hội viên được vay 500 triệu đồng đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản, 3 năm sau hoàn trả lại vốn vay. Ngoài vay vốn mua trâu, bò giống, các hội viên còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, cách xây dựng chuồng nuôi, cách phòng trị bệnh cho trâu, bò. Từ số trâu, bò ban đầu 12 con, đến nay tổng đàn phát triển lên 36 con, nhiều hộ tăng từ 3 - 4 con. Mô hình tạo điều kiện giúp hội viên có cơ hội mở rộng, phát triển đàn gia súc, nâng cao thu nhập.

Chị Lý Thị Mùi, xóm Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt chia sẻ: Hơn 2 năm trước, tôi được vay 50 triệu đồng để mua 1 con trâu cái sinh sản trị giá 23 triệu đồng về nuôi và tận dụng sức kéo, số tiền còn lại tôi xây chuồng nuôi. Sau khi nuôi được 3 tháng, tôi bán trâu, mua một đôi bò sinh sản trị giá 30 triệu đồng, đến nay đàn bò đã tăng lên 4 con. Hiện, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng, phát triển đàn bò.

Gia đình ông Đinh Văn Cừ ở xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình được hỗ trợ vay 30 triệu đồng để cải tạo đất vườn trồng thanh long. Theo ông Cừ, nhờ được tham gia dự án, được tập huấn cách trồng và chăm sóc thanh long, phòng, chống sâu bệnh, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long từ nhiều hộ khác trên địa bàn, gia đình ông đã trồng được 2.000 trụ thanh long. Cuộc sống nhờ đó khấm khá hơn trước.

“Đòn bẩy” giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, quỹ “Hỗ trợ nông dân” đã tạo “đòn bẩy” giúp hàng nghìn lượt hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng; hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyên Bình Mã Thị Trang cho rằng, tuy nguồn vốn vay chưa cao, mức vay từ 30 - 50 triệu đồng/hộ (lãi suất 0,7%/tháng) song đã giúp hội viên nhân rộng các mô hình kinh tế, mở rộng quy mô phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển hình thức kinh tế tập trung ở nông thôn.

Hiện, tổng nguồn Quỹ do Hội Nông dân huyện quản lý 7,5 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh ủy thác trên 5,3 tỷ đồng, nguồn vốn của huyện trên 2,2 tỷ đồng. Toàn huyện đang triển khai 50 dự án cho 295 hộ vay vốn.

Từ nguồn quỹ, các cấp Hội giải ngân cho 337 mô hình, dự án với 2.976 lượt nông dân vay trên 47 tỷ đồng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế. Ngoài việc gây quỹ, các cấp Hội thông qua hoạt động cho vay vốn ngân hàng, chương trình cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm..., tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nông dân, chủ trang trại vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất.

Nhiều dự án của Quỹ đã thực hiện thành công tại Cao Bằng như: Dự án chăn nuôi gà thả vườn tại xã Vĩnh Quang (Thành phố); mô hình liên kết doanh nghiệp và nông dân trồng gừng hữu cơ huyện Hà Quảng; mô hình trồng rau an toàn tại 2 huyện Thạch An, Hòa An...

Thành Huế