Cây dâu - con tằm luôn đi song hành với nhau trong việc sản xuất ra những chiếc kén trắng tinh đầy tơ vàng óng và hiện nghề trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại thu nhập cao và ổn định.

Hình thành vùng dâu tằm Lâm Hà

Hiệu quả kinh tế của cây dâu, con tằm ở Lâm Hà đã được khẳng định. Để tiếp tục là vùng dâu tằm tập trung lớn nhất tỉnh và cây dâu thực sự là cây trồng mũi nhọn, từ nay tới năm 2020, Lâm Hà đang nỗ lực từng ngày để xây dựng và phát triển làng nghề dâu tằm.

{keywords}
Bà con “có của ăn của để” nhờ trồng dâu nuôi tằm

Nông dân các xã Liên Hà, Hoài Đức và Đông Thanh của huyện Lâm Hà đã đưa cây dâu tằm “chiếm ngôi” cây cà phê về thu nhập cao nhất trong các loại cây công nghiệp dài ngày. Đây là lời giải của hơn 3 năm chuyển giao nguồn giống dâu cao sản S7-CB và VA-201, ứng dụng kỹ thuật mới nuôi tằm gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tơ lụa ở địa phương.

Trước đây, diện tích dâu tằm của xã chỉ vào khoảng 80 ha, chủ yếu là giống dâu cũ năng suất lá thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu nuôi tằm trong khi địa phương có tiềm năng rất lớn về nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng từ khi xã được dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà” đã làm cho nhận thức về trồng dâu nuôi tằm ở xã thay đổi, tạo nên bước ngoặt lớn. Từ 20 ha giống dâu mới được dự án hỗ trợ, đến nay diện tích này đang tăng lên nhanh chóng, thay dần cho giống dâu bầu đen năng suất thấp cũng như giống Sa Nhị Luân nhiều bệnh. Hiện xã đã phát triển được hơn 300 ha với hơn 800 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với năng suất đạt 3 tấn kén/ha/năm. Nhờ giá kén ổn định, nên đời sống bà con thay đổi rõ nét, từ hộ nghèo thành hộ khá, từ hộ khá thành hộ giàu. Việc trồng dâu nuôi tằm bên cạnh cây cà phê đã giải quyết số lao động nông nhàn của xã.

So với năng suất và mặt bằng giá cà phê và giá chè cành trong cùng thời điểm 3 năm vừa qua, thì trên 1 ha trồng dâu nuôi tằm giống mới ở Lâm Hà bằng các biện pháp kỹ thuật nêu trên, mỗi năm thu lợi nhuận cao hơn từ 2,28 đến 2,71 lần đối với cà phê và chè cành. Lâm Hà đã và đang hình thành các vùng trồng dâu, nuôi tằm tập trung, trở thành một trong 3 cây mũi nhọn của địa phương, bước đầu hình thành các làng nghề ươm tơ dệt lụa tại vùng Tân Hà và thị trấn Nam Ban.

Hiện nay, tổng diện tích cây dâu toàn huyện đạt 1.820 ha, năng suất bình quân đạt 165 tạ/ha, sản lượng đạt 24.503 tấn, tổng sản lượng kén đạt 2.200 tấn.

Nông dân "phất lên" nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm

Sau một thời gian tìm hiểu kinh nghiệm, vợ chồng ông bà Ka Sim ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng mới bắt tay vào việc chuyển đổi 3 sào cà phê già cỗi kém hiệu quả ở gần nhà để chuyển sang trồng dâu nuôi tằm.

Lúc đầu làm quen với nghề “ăn cơm đứng” bà Ka Sim cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về đặc tính sinh trưởng của con tằm, chưa nắm kỹ thuật trong khâu chăm sóc… Sau hơn một năm vừa học vừa làm, bà Ka Sim cũng đã nắm bắt được một số kỹ thuật cơ bản trong việc trồng dâu nuôi tằm và tỷ lệ tằm sống khá cao.

“Quyết tâm trồng dâu nuôi tằm, tôi đã đi học hỏi một số mô hình nuôi tằm trên địa bàn xã và một số xã lân cận. Do lúc đầu chưa nắm chắc kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm nên tôi chỉ nuôi thí điểm nửa hộp tằm con, sau 15 ngày thu được 30 kg kén với giá bán 138 ngàn đồng/kg đã tạo động lực cho tôi mở rộng và phát triển thêm”, bà Ka Sim chia sẻ. 

Đến nay, bà Ka Sim đã mở rộng thêm 2 sào dâu giống CB - S7. Mỗi tháng bà nhập từ 1,2-2 hộp tằm con về nuôi và thu được từ 50-80 kg kén. Bà Ka Sim so sánh, nếu 3 sào cà phê già cỗi trước đây chỉ thu được khoảng 2 tạ cà phê nhân, khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê. 

Thấy các mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả khá ổn định, gia đình chị Ka Truynh cũng quyết định chuyển 1,5 sào cỏ sang trồng dâu nuôi tằm.

Trước đây, vợ chồng chị đều đi làm việc cho công ty từ sớm đến tối, không có thời gian dành cho gia đình. Từ khi trồng dâu nuôi tằm, chị Truynh cảm thấy công việc nhẹ nhàng hơn, không những có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, mà quan trọng hơn là chị có nhiều thời gian chăm lo công việc gia đình, con cái học hành.

“Do diện tích dâu ít, nên tôi chỉ nuôi 7,5 lạng tằm giống/tháng. Sau 15 ngày nuôi tôi thu được khoảng 34 kg kén, với giá thị trường 150.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi thu lãi 4,6 triệu đồng. Nếu có điều kiện tôi sẽ cố gắng mua đất mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm và vận động chị em trong gia đình làm theo”, chị Ka Truynh hồ hởi chia sẻ. 

Theo lãnh đạo xã Đinh Lạc, từ mô hình trồng dâu nuôi tằm của chị Ka Sim, Ka Ês, Ka Truynh, Ka Nhợp, đến nay đã có gần chục hộ trên địa bàn học tập. Trong thời gian tới xã tiếp tục nhân rộng cho các bà con dân tộc thiểu số tại địa phương học tập, làm theo.  

Văn Hùng