Theo Nghị quyết 01, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới. Các đường bay thương mại quốc tế sẽ được xem xét mở lại khi điều kiện cho phép; việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế để phát triển vắc-xin phòng dịch và có giải pháp để người dân được tiếp cận vắc-xin sớm nhất được đẩy mạnh. Đồng thời là các giải pháp về tín dụng, tài chính; tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững…

Thời gian qua, nhờ những quyết sách đúng đắn, linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả, Việt Nam đã thành công trong ứng phó đại dịch và duy trì khá tốt động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội năm 2020, tạo nền tảng để tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu khu vực.

{keywords}
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận với thành công trong kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và phản ứng thị trường hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,91% GDP trong năm 2020 và được xem là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V.

"Nhìn tổng thể, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận với thành công trong kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và phản ứng thị trường hỗ trợ doanh nghiệp (DN); chủ động tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; khai thác các cơ hội từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế, thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững" - TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Các chuyên gia cho rằng những thành tựu trong chống dịch Covid-19 cùng đà tăng trưởng kinh tế dương năm 2020 sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế năm 2021. Bên cạnh đó, những đột phá trong thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ, xu hướng chuyển đổi số cùng với sự tăng nhanh của đầu tư khu vực ngoài nhà nước, những cơ hội từ các hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đang là thành viên… sẽ góp phần củng cố động lực tăng trưởng trong năm 2021.

Nguyễn Hoài Linh