Đây là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội nghị Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản thủy sản sau giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở khu vực Nam bộ, ngày 17/9.

Doanh nghiệp đuối sức

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD), Bộ NN&PTNT, Nam Bộ là khu vực trọng điểm của ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, lúa gạo, trái cây. Hiện chế biến, xuất khẩu thủy sản của khu vực này chiếm 70-75% giá trị kim ngạch toàn quốc, là đầu ra và động lực đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh toàn chuỗi.

Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến xuất khẩu lại gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội phục vụ chống dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa do phát hiện ca F0, do không đáp ứng điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Có DN phải ngừng sản xuất hoặc giảm công suất do thiếu lao động, thiếu nguyên liệu...

Đặc biệt, ở lĩnh vực chế biến thủy sản, đến đầu tháng 9 có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất. Tổng công suất các nhà máy hoạt động chỉ đạt khoảng 30- 40%. Hệ quả, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ.

Theo NAFIQAD, hiện DN sản xuất "3 tại chỗ" gặp áp lực rất lớn về tài chính bởi tất cả các chi phí đều tăng mạnh, trong khi năng suất lại không đạt vì thiếu nguyên liệu, thiếu lao động. Chưa kể, các thị trường đang tăng cường rào cản kỹ thuật với hàng nông sản nhập khẩu.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Việt cho biết, DN đang trong tình trạng không thể hoàn thiện các đơn hàng đã ký kết cho các đối tác của mình trong thời gian tới. Các hệ thống siêu thị ở châu Âu và Mỹ đòi hỏi thời gian giao hàng phải như cam kết. Song, với tình hình hiện tại, việc hoàn thành đơn hàng đúng thời điểm là gần như không thể.

{keywords}
Doanh nghiệp ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 

“Chúng tôi đã tiến hành thương lượng lùi thời điểm giao, một số đối tác đồng ý nhưng một số khác dọa kiện và đòi bồi thường thiệt hại”, bà Thuỷ chia sẻ. Thế nên, trong thời gian tới, hoạt động sản xuất của DN không quay trở lại như bình thường thì việc mất thị trường không còn là nguy cơ mà sẽ trở thành hiện thực.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay, dịch bệnh khiến chuỗi giá trị tôm gần như đổ vỡ. DN nợ đơn hàng khách nước ngoài rất nhiều và không dám ký hợp đồng mới. Theo ông, giờ đã giữa tháng 9, nếu bà con nông dân thả nuôi tôm cũng không kịp thu hoạch vào cuối năm. Dự báo, sẽ thiếu nguyên liệu để sản xuất, trả đơn hàng cuối năm.

Các địa phương cũng thừa nhận DN đang gặp khó khăn trong việc thu mua nông thủy sản đưa về nhà máy để chế biến dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy. Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, nguyên nhân là mỗi địa phương có kế hoạch phòng, chống dịch khác nhau nên việc lưu thông, vận chuyển của DN mất rất nhiều thời gian, chi phí tăng cao.

Ông Thiện nêu ví dụ, trường hợp DN muốn qua Đồng Tháp thu hoạch nông thủy sản thì Đồng Tháp phải phát văn bản hỏi các tỉnh khác có cho qua hay không thì địa phương mới đồng ý tiếp nhận DN. Điều này tốn thời gian bởi chỉ chậm nửa ngày hoặc một ngày là DN đã gặp khó khăn.

Tư duy linh hoạt để phục hồi sản xuất

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) dẫn kết quả khảo sát của hiệp hội cho thấy, chỉ có 30- 40% DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số còn lại rất khó hoặc cần có thời gian dài. Bởi, để khôi phục được 50% công suất mất 3- 6 tháng, khôi phục 70% công suất mất 9- 12 tháng, khôi phục 100% công suất sản xuất khoảng 1,5-2 năm. 

Xác định sống chung với dịch bệnh nên theo ông Nam, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ DN có phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần để địa phương phê duyệt nhanh nhất. Ưu tiên tiêm vaccine cho lao động, công nhân tiêm một mũi vaccine được tham gia sản xuất; điều chỉnh lại cơ chế sản xuất “3 tại chỗ” cho phù hợp hơn.

Ông cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tác động với các địa phương trong việc tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại được thuận tiện. Đặc biệt, đối với ngành tôm và cá tra, xem xét cho công nhân được đi đến điểm test Covid-19 và tập trung tại điểm di chuyển (bằng xe hoặc bằng ghe) để tham gia thu hoạch cá tôm; thực hiện việc xét nghiệm với nhóm lao động quan trọng này, thay vì cách ly họ 14 ngày.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam thì kiến nghị tạo cơ chế thông tháo cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào sản xuất, tránh ùn ứ. Cùng với đó là các chính sách thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, khu chế xuất... để phục hồi sản xuất.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu các tỉnh tách rời hai mục tiêu, chú trọng chống dịch mà bỏ qua kinh tế và ngược lại thì rất dễ. Cái khó là phải dung hoà hai mục tiêu này mà vẫn đảm bảo an toàn. Chữ linh hoạt mới là "cửa sống" của chúng ta hiện nay.

Theo Bộ trưởng, nếu thay đổi tư duy, thay đổi cách làm việc thì có thể xoay chuyển được tình thế. DN, địa phương, bộ ngành cùng bàn bạc, tìm giải pháp phù hợp thích ứng với tình hình.

Ông phân tích, DN nông nghiệp hay chuỗi ngành hàng nông nghiệp có đặc thù rất khác với các chuỗi ngành sản xuất khác, bởi hệ thống chằng chịt, đan xen như mạch máu, có rất nhiều thành phần tham gia. Ví như con cá tra, một đơn vị sản xuất giống đã liên quan tới 7 tỉnh. Ngành hàng gạo thì thương nhân từ tỉnh này sang tỉnh khác để mua bán thóc. Thế nên, chỉ cần một xe hàng tắc ở trạm kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi.

"Đây là thời điểm chúng ta phải liên kết vùng, trong đó tính tới phát triển không gian kinh tế vùng. Từ đó, thay đổi tư duy để 13 tỉnh ĐBSCL trở thành một thực thể kinh tế chứ không phải 13 thực thể hành chính như hiện nay. Làm được như vậy sẽ tháo gỡ được khó khăn cho DN ngành nông nghiệp, từ đó giúp DN phục hồi sản xuất", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sau dịch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các sở NN&PTNT khi chỉ đạo sản xuất phải tính toán được chi phí đầu vào, kết nối thị trường như thế nào, phải đưa nông dân vào hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi liên kết, làm mã số vùng trồng...

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang