Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc.

Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Việt Nam cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt. 

Đến nay, đối với các thị trường “khó tính”, đã cấp được 998 mã số vùng trồng, trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Mỹ (471 mã), tiếp đó là Úc và New Zealand (393 mã), Hàn Quốc (199 mã) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

{keywords}
Nhờ làm tốt khâu cấp mã số vùng trồng, vải thiều Việt Nam thuận lợi xuất khẩu sang các thị trường khó tính và thị trường Trung Quốc

Riêng thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8/2020 đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180.000ha cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là các sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng được cấp nhất.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã cấp 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp để xuất khẩu đi các thị trường “khó tính” đang được quản lý, giám sát rất chặt chẽ. Theo đó, cán bộ kỹ thuật của sẽ tiến hành kiểm tra thực địa, thu mẫu về để phân tích giám định trong phòng thí nghiệm, nếu đạt yêu cầu sẽ cấp mã số.

Sau khi cấp mã số, hàng năm khi vào vụ sản xuất - thu hoạch, cán bộ kỹ thuật sẽ tiến hành giám sát tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Trường hợp phát hiện các mã số này không đạt yêu cầu quy định của nước nhập khẩu sẽ yêu cầu phải khắc phục hoặc tạm ngừng không đồng ý cho sử dụng mã số đó. Cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu cũng sẽ định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số ở Việt Nam.

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, trong thời gian qua, việc kiểm tra và giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương được thực hiện về cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, rà soát, có thể thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại liên quan đến việc quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần phải được chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng và uy tín của hàng nông sản xuất khẩu.

Thời gian tới để quản lý tốt hơn vấn đề này, Bộ NN-PTNT xác định tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khẩu xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát lại hiện trạng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng các mã số vùng trồng đã cấp. Đồng thời, chủ động làm việc với cơ quan Kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khi tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát.

Với các địa phương, phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Đây chính là đơn vị để Bộ NN-PTNT triển khai các hoạt động kỹ thuật cụ thể có liên quan.

Bên cạnh đó, cần tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số.

Với các doanh nghiệp trong ngành cần có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo có các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý; chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.

Hải Băng