Tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 59,08 triệu USD sang thị trường CPTPP, tăng 60,52% so với tháng 6/2021 và giảm 22,58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường Nhật Bản, Singapore, Canada, Malaysia… giảm thì xuất khẩu sang các thị trường Chile, Peru, Australia… lại tăng khá cao so với tháng 6/2021. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 10 thị trường thành viên đều tăng trưởng cao.

{keywords}
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường CPTPP

Xuất khẩu một số mặt hàng như máy móc, thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện… của Việt Nam sang thị trường CPTPP tăng trưởng mạnh so với tháng trước, tuy nhiên, xuất khẩu một số mặt hàng như dệt may, máy vi tính và linh kiện, giày dép… lại giảm.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 86,28 triệu USD hàng hóa sang thị trường này, giảm 75,94% so với mức xuất siêu của 7 tháng năm 2020.

Từ đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 8/10 thị trường thành viên CPTPP tăng trưởng mạnh, riêng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng chậm và giảm xuất khẩu sang thị trường Brunei.

Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng của Việt Nam sang thị trường CPTPP đều tăng trưởng ở mức cao. Một số mặt hàng tăng chậm như dệt may hay một số mặt hàng giảm như dầu thô, túi xách, vali, ô dù, gạo, thức ăn gia súc… nhưng nhóm các mặt hàng này đều chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018 bao gồm Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Peru, Mexico, Chile. Hiệp định CPTPP hiện đang bao phủ thị trường 495 triệu dân và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. CPTPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do hấp dẫn. Gần đây, Vương quốc Anh và Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này.

 Quốc Huy