Cúc Phương là xã vùng cao của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Mường, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí thấp...Bằng sự nỗ lực, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cúc Phương đã đạt 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt: thu nhập, thủy lợi, hộ nghèo.

Quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xã Cúc Phương đã chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, với điều kiện tự nhiên đồi, rừng và núi, địa phương đã khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình con nuôi đặc sản.

Nhờ có sự đầu tư về hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đường xá đi lại thuận tiện, thị trường rộng mở nên hiện nay nghề chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển khá mạnh. Toàn xã có hơn 500 con hươu gồm hươu sinh sản, hươu lấy nhung và hươu lấy thịt. Mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 320 kg nhung hươu, mang lại giá trị trên 6 tỷ đồng.

Mới đây, để nghề chăn nuôi hươu phát triển hơn nữa và nhằm xây dựng thương hiệu nhung hươu Cúc Phương, các hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn xã đã thành lập HTX dịch vụ thương mại nhung hươu Cúc Phương. HTX hoạt động trên cơ sở tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và liên kết của các thành viên trong sản xuất, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Ngoài hươu, xã Cúc Phương duy trì nhiều con nuôi đặc sản có giá trị như: trên 1.200 con trâu, bò; gần 300 con nhím; hơn 700 con dê; trên 800 đàn ong.... Tổng nguồn thu từ chăn nuôi trên địa bàn xã đạt trên 16 tỷ đồng. Cùng với chăn nuôi, Cúc Phương còn đẩy mạnh phát triển cây lương thực và các loại cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như: mía, lạc, sắn, khoai sọ, cây ăn quả...

Đồng thời khuyến khích nhân dân chuyển dịch sang kinh doanh thương mại và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, góp phần tạo nguồn thu và việc làm cho lao động địa phương, từng bước giảm số hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tổng giá trị thu nhập toàn xã năm 2018 ước đạt trên 77 tỷ đồng, bình quân giá trị 1 ha canh tác đạt 52 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,55% giảm nhiều so với những năm trước.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, Cúc Phương cũng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với tiêu chí giao thông, cùng với sự hỗ trợ về xi măng của Nhà nước, xã Cúc Phương đã huy động và nhận được sự tham gia, ủng hộ của nhân dân. Người dân đã tích cực hiến hàng nghìn m2 đất, phá bỏ hàng trăm m2 tường bao, công trình phụ, đóng góp tiền và nhiều ngày công để hoàn thành các tuyến đường đảm bảo chiều rộng và chất lượng đúng tiêu chuẩn.

{keywords}
Người dân Cúc Phương chủ động giám sát các công trình xây dựng nông thôn mới


Trường học, trạm y tế đều đã đạt chuẩn Quốc gia

Kết quả của 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Cúc Phương đã huy động nguồn vốn đầu tư 170,7 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước 86,9 tỷ đồng, chiếm 50,9%; vốn nhân dân đóng góp và huy động khác 83,9 tỷ đồng, chiếm  49,1%.

Trong đó: Nhân dân tự bỏ vốn đầu tư, xây dựng, chỉnh trang nhà ở: 40 tỷ đồng, chiếm 23,5%; nhân dân đóng góp làm đường giao thông là 4,3 tỷ đồng; 1.612 ngày công lao động; hiến đất 1,3 ha, nhận 1.520 tấn xi măng để xây dựng, nâng cấp 82 tuyến đường với 11,92 km đường giao thông nông thôn; đóng góp 200 triệu đồng và 1.042 ngày công lao động để làm nhà văn hóa thôn.

Toàn xã có 10/10 thôn có nhà văn hoá, trong đó: xây mới 8 nhà, nâng cấp sửa chữa 1 nhà, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của cộng đồng dân cư. Tiêu biểu trong những hộ hiến đất, cây cối, hoa màu để xây dựng các công trình công cộng và đường giao thông là các hộ 2 bên dọc tuyến đường Cúc Phương - Nho Quan điểm từ Bưu điện Cúc Phương đến UBND xã và điểm từ chân dốc Quèn Thạch đến điểm tiếp giáp với xã Văn Phương chiều dài trên 3 km với diện tích hiến đất là 2.241 m2 (đất vườn và đất ở).

Đến nay, 46,8km đường giao thông trên địa bàn xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa, đạt 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Các tiêu chí cần sự đầu tư kinh phí lớn đã được quan tâm đầu tư như: sửa chữa nâng cấp và xây mới trường lớp học cho 3 khối: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa xã; trạm y tế với tổng mức kinh phí trên 20 tỷ đồng.

Trường học, trạm y tế đều đã đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường, công tác cán bộ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Các tổ chức trong hệ thống chính trị được giữ vững và ngày càng hoàn thiện về chất lượng. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo và luôn được giữ vững. Xã đã hoàn thành 16/20 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với năm 2010.

Trong thời gian tới, Cúc Phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn đầu tư của Nhà nước để hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đã đề ra. 

Thanh Bình
Ảnh: Ngọc Trang