Sáng 26/11 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Tôn giáo với các vấn đề về quyền con người” nhằm mục đích chỉ rõ quyền con người thể hiện trong giáo thuyết các tôn giáo; nêu bật việc thực hiện hoá quyền con người trong đời sống tôn giáo và đời sống xã hội của các tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay; bước đầu đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp nhằm phát huy giá trị quyền con người của các tôn giáo trong đời sống tôn giáo và đời sống xã hội trên cơ sở tuân thủ pháp luật và giáo luật.

Hội thảo góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam qua việc chỉ rõ những luận điểm đổi mới nhận thức về tôn giáo thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng thời gian gần đây, đặc biệt là Nghị quyết số 24/NQ-TW về Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới (năm 1990), Nghị quyết số 25 – NQ/TW về công tác tôn giáo (năm 2003) và Chỉ thị số 18/CT-TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới (năm 2018) như: đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá và đạo đức của tôn giáo; khai thác và phát huy nguồn lực xã hội của tôn giáo…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định tôn giáo với các vấn đề về quyền con người là chủ đề phức tạp và nhạy cảm. Vì vậy, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ những nội dung chủ yếu như: i) Lý luận chung về quyền con người, quyền tự do tôn giáo và mối quan hệ giữa quyền con người và quyền tự do tôn giáo; ii) Quan điển của các tôn giáo về quyền con người trong tương quan quyền và giới hạn quyền mà chính sách pháp luật quy định; iii) Đánh giá về quyền con người và quyền tự do tôn gáo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Ông  Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh, việc nhận diện đầy đủ và cập nhật các quan điểm, nhận định, giáo thuyết của tôn giáo về quyền con người trong tương quan quyền và giới hạn quyền mà chính sách, luật pháp của các chính phủ quy định để có cái nhìn so sánh, tham chiếu, định hướng tạo nên một quan điểm chung, thống nhất về quyền con người, quyền tự do tôn giáo là một việc làm cần thiết.

{keywords}
Đại lễ Phật đản VESAK - 2019

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia đa tôn giáo. Không khí dân chủ và tự do tôn giáo không chỉ thể hiện trên các văn bản pháp quy của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà bằng thực tế sống động đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi động; các tôn giáo đều có sự phát triển về số lượng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành; cơ sở thờ tự được xây dựng mới nhiều; các tôn giáo đều được tự do quan hệ quốc tế qua đó góp phần tạo lập vị thế, uy tín của mình đối với các tổ chức tôn giáo trên thế giới.

Các ý kiến cùng 27 bài viết tham gia Hội thảo xoay quanh các nội dung: Lý luận chung về quyền con người và quyền tự do tôn giáo; quan điểm của các tôn giáo về quyền con người; đánh giá về quyền con người và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Ở nhóm nội dung thứ nhất, các ý kiến nhấn mạnh vấn đề bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Theo đó, việc giải quyết quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam có nhiều thay đổi từ năm 1990 đến nay. Bên cạnh việc coi tự do tôn giáo là một quyền hiến định, Việt Nam đã có khung pháp luật về quyền này khá rõ ràng. Nhà nước luôn tạo điều kiện và hỗ trợ người dân thực hành quyền tự do tôn giáo.

Do vậy, các tôn giáo ở Việt Nam đang được sống đời sống tôn giáo và đời sống xã hội ngày một phấn khởi hơn, sống động hơn trong bầu không khí chung của sự đồng thuận xã hội ngày một mở rộng.

Nhóm nội dung thứ hai đi sâu phân tích sự đa diện và tổng thể quyền con người theo quan điểm của các tôn giáo lớn; các nội dung cụ thể về quyền con người trong giáo thuyết của các tôn giáo như quyền được sống và bảo đảm sự sống, quyền bình đẳng giới, quyền trong tình yêu và hôn nhân, quyền tự do cá nhân,…

Qua đó thấy rằng, dù không trực tiếp bàn đến quyền con người theo cách tiếp cận hiện đại nhưng giáo thuyết của nhiều tôn giáo đều đụng chạm đến những khía cạnh khác nhau của quyền con người. Những quan điểm đó ảnh hưởng nhất định đến cách tiếp cận và thực thi quyền con người ở một số quốc gia hiện nay.

Nhóm nội dung thứ ba chú trọng làm rõ sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tôn giáo là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, không những nêu rõ trong các văn bản pháp luật mà còn được bảo đảm trên thực tế với nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đông đảo người dân Việt Nam đồng tình và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đồng bào các tôn giáo ngày càng nhận thức đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội, về thực hiện quyền con người không được xâm phạm lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích hợp pháp của người khác. Từ đó, chức sắc và tín đồ các tôn giáo luôn hướng về cộng đồng, lợi ích quốc gia; đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, vu cáo của các thế lực xấu về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Thu Thủy