Theo quan sát, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã phát trển mô hình nuôi cua đồng trên đất ruộng. Mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Văn Tần, nông dân tiên phong trong mô hình nuôi cua đồng cho biết, nuôi cua đồng tương đối đơn giản, dễ áp dụng với điều kiện tại địa phương.

Để thực hiện mô hình, sau khi nước lũ rút, ông Tần tiến hành bao ny-lon xung quanh ruộng, sau đó mua cua ngoài tự nhiên thả với mật độ 3-4 tấn cua giống/công (1.000m2). Trong ruộng thả lục bình, rau muống đồng, bao đất vào để tạo nguồn thức ăn tự nhiên và tạo nơi trú ẩn cho cua khi lột xác.

{keywords}
Nhiều nông hộ ở huyện An Phúc lựa chọn nuôi cua đồng, nên đó có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. 

Cua đồng thường thu hoạch vào tháng 4, ngoài ra có thể thu hoạch sớm hoặc trễ hơn thời gian dự kiến để chọn thời điểm có giá cao để bán. Thời điểm này, trọng lượng cua đạt từ 25 - 30 con/kg. Sản lượng thu hoạch 1,8 - 2 tấn/công, hao hụt khoảng 30 - 40%. Giá cua thời điểm này khá cao, từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 50 triệu đồng/công.

Tại thị trấn An Phú, tận dụng diện tích mặt sông, gia đình anh Nguyễn Quốc Hiếu, ấp An Thạnh đã xây dựng lồng bè, thực hiện mô hình nuôi cá heo nước ngọt.

Trên  diện tích mặt nước khoảng 100m2, anh Hiếu thả nuôi gần 1 tấn cá giống. Theo anh Hiếu, cá giống được gia đình anh chọn là cá được đánh bắt từ tự nhiên, mua vào những tháng đầu mùa nước nổi. Thức ăn chủ yếu cho cá heo là cá xay nhuyễn hoặc thức ăn viên có kích thước nhỏ.

Cá giống tự nhiên sau 7 tháng nuôi, có thể xuất bán cho thương lái, con giống thời điểm này từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Với giá bán từ 320.000 - 380.000 đồng/kg, anh Hiếu thu lợi khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg cá thương phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Bên cạnh lựa chọn các loại vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác, nông dân huyện đầu nguồn An Phú còn mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập, bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện An Phú sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch của vùng sản xuất; ứng dụng các tiến bộ khoa học -  kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các mô hình đa canh, xen canh… để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, dạy nghề và gắn kết nông dân với chương trình vay vốn để sản xuất và giải quyết việc làm cho nông dân.

Diệu Bình
Ảnh: Đoàn Bổng