Hiện nay, tình trạng gia tăng rác thải đang ngày càng nghiêm trọng trong khi việc phân loại tại nguồn còn hạn chế. Đây là gánh nặng cho các nhà máy xử lý rác thải, lãng phí nguồn nguyên liệu tái chế từ rác.

Rác thải nếu không được xử lý, đem chôn lấp sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, ô nhiễm nguồn nước… Những bãi tập kết rác tại các tỉnh thành đang khủng hoảng vì quá tải.

Trước vấn đề này, một nhóm sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh đã sáng chế ra chiếc máy tự động phân loại rác thải tại nguồn.

Tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Toàn quốc năm 2020”, chiếc máy này đã giành giải Khuyến khích.

Mặc dù thành tích chưa cao nhưng là động lực để nhóm có động lực nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học. 

{keywords}
Thầy và trò nhóm nghiên cứu tại cuộc thi.

Mục đích của việc phân loại rác khác nhau là nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường; tận dụng rác hữu cơ để ủ men vi sinh, làm phân bón… Các loại như vỏ lon, chai nhựa có thể tái chế.

Nhóm có 4 thành viên Lớp Cao đẳng điện công nghiệp K24 chất lượng cao theo tiêu chuẩn của CHLB Đức gồm: Trương Quang Phát, Dương Công Trường, Phan Công Khanh, Nguyễn Hữu Tuấn. Tất cả đều sinh năm 2001.

Trưởng nhóm Trương Quang Phát chia sẻ, tổng cộng thời gian thực hiện 1,5 tháng. Trong đó, thời gian lên ý tưởng và thiết kế là 1 tháng, hoàn thiện sản phẩm thêm 2 tuần nữa.

{keywords}
Cơ cấu nghiền

Dự án gồm 2 phần chính, là phần cơ khí chế tạo và phần điện (tự động hóa).

Phần cơ khí gồm: cơ cấu nghiền, lồng xoay, cơ cấu quạt trước, quạt sau.

Phần tự động hóa được nhóm vận dụng kiến thức đã học ở trường, sau đó tự lập trình bằng logo để điều khiển mô hình. “Logo là bộ điều khiển được thông qua ngôn ngữ lập trình, dùng để lập trình cỡ nhỏ”, Phát cho hay.

Quá trình thực hiện nhóm gặp khó khăn ở khâu cơ khí chế tạo, do nhóm đều là sinh viên ngành điện, sản phẩm lại liên quan nhiều đến cơ khí.

Bốn thành viên chưa biết gì về hàn, đặc biệt chất liệu là Inox – loại vật liệu đòi hỏi kỹ thuật hàn nâng cao. Để hoàn thiện dự án, nhóm bắt buộc phải tập luyện hàn.

{keywords}
Lồng xoay và quạt trước.

“Với sự hướng dẫn của thầy Tuyên, nhóm em học hàn cấp tốc 3 ngày, sản phẩm hàn lỗi, hỏng khá nhiều, nhiều lần còn không kết dính được. Cuối cùng nhờ kiên trì cả 4 thành viên cũng nắm bắt được kỹ thuật này”, Phát nói.

Máy hoạt động theo cơ chế phối hợp giữa cơ cấu nghiền, lồng xoay và quạt. Cơ cấu nghiền giúp nghiền các loại rác hữu cơ như: rau, củ, quả… và dập rác vô cơ như chai nhựa, vỏ lon bia, túi nilon. Lồng xoay giúp phân loại rác hữu cơ, vô cơ; quạt phân loại bao nilon.

{keywords}
Hàn inox là kỹ thuật hàn khó, Phát và các bạn đã học cấp tốc 3 ngày để thực hiện

Sau khi rác từ bộ phận nghiền rơi xuống lồng xoay, lúc này rác hữu cơ sẽ có kích thước nhỏ vì đã nghiền nát và rơi xuống hộc phía dưới. Rác vô cơ có kích thước lớn sẽ rơi xuống hộp bên cạnh, còn  nilon được quạt trước giữ.

Khi chai nhựa và lon ra hết, quạt trước sẽ ngắt và quạt sau hoạt động, đẩy hết túi nilon ra bên ngoài.

Tỉ lệ rác sau khi phân loại bị lẫn không nhiều, sắp tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để tỉ lệ phân loại cao hơn nữa.

Sinh viên này tâm sự, do cả 4 người đều đang đi học, kinh tế hạn hẹp nên gặp khó về vốn để thực hiện. “Nếu có nguồn kinh phí đầu tư, nhóm em sẽ có điều kiện hoàn thiện và nâng cấp dự án”, Phát nói tiếp.

Tuy máy phân loại rác mới ở dạng thử nghiệm, chỉ áp dụng quy mô nhỏ nhưng nhóm nghiên cứu tự tin máy có thể phát triển thành quy mô công nghiệp hoặc bán công nghiệp.

“Các nhà máy lớn phải vất vả, tốn kém số tiền lớn cho công việc xử lý rác thải, thuê công ty dịch vụ vận chuyển rác… Máy phân loại tại nguồn này, có tiềm năng xử lý rác tại chỗ, giảm chi phí. Lượng rác hữu cơ có thể bán lại cho doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ, tạo ra giá trị kinh tế”, Phát khẳng định.

{keywords}
Các thành viên của nhóm đều có niềm đam mê sáng chế.

Nhược điểm của máy là chưa phân loại được rác thủy tinh, sắt, thép hay inox. Với các loại rác như vậy, sẽ làm hư kết cấu bên trong máy.

Ý tưởng của nhóm định phát triển thêm, để máy phân lại được sắt vụn nhưng do thời gian gấp rút nên mới chỉ dừng lại phân loại đồ ăn, nhựa, túi nilon.

Những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, trường học, nhà hàng… có thể lắp đặt ngay hệ thống này. Phát tính toán, giá thành máy đến người tiêu dùng khoảng 5 triệu đồng.

Thầy Lê Văn Tuyên, giáo viên Khoa Điện – điện từ, người trực tiếp hướng dẫn đề tài cho biết:  “Thời gian thực hiện gấp, các em lại là sinh viên hệ đào tạo quốc tế, vừa học chuyên ngành, vừa học ngoại ngữ nên thầy trò gần như không có ngày nghỉ, có hôm phải tranh thủ buổi đêm để kịp tiến độ. Nhiều khi ý tưởng của các em rất hay nhưng khi thực hiện lại không như ý nên thầy trò phải thức đêm để tìm ra cách giải quyết”.

Quang Sơn