Mô hình trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá

Trước đây, ở tỉnh Cà Mau và một số tỉnh khu vực miền Tây, bồn bồn được xem là cây cỏ dại mọc hoang nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như gỏi bồn bồn, dưa bồn bồn.
Huyện Cái Nước là địa phương có diện tích bồn bồn lớn của tỉnh Cà Mau, với hơn 150 hộ trồng loại cỏ cũng là loại rau này. Trong đó, bồn bồn tập trung nhiều ở xã Tân Hưng Đông và Hòa Mỹ, với năng suất đạt khoảng 3 tấn/ha/năm.

{keywords}
Mô hình trồng Bồn Bồn giúp bà con đổi đời ngoạn mục.

Những năm gần đây, khi cây bồn bồn được nhiều người ưa chuộng, trở thành đặc sản nức tiếng gần xa, không riêng huyện Cái Nước, nhiều nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây bồn bồn.

Từ khi đưa cây bồn bồn làm kinh tế, đời sống bà con vươn lên hẳn, có không ít hộ thoát nghèo nhờ cây bồn bồn.

Ở Tân Bằng, Cà Mau, cây bồn bồn đã trở thành mô hình kinh tế. Cách trồng trọt, làm ăn được bà con nông dân tính toán, hoạch định rõ ràng. Một số hộ dân nhìn thấy được hiệu quả, tương lai của cây bồn bồn trên vùng đất mặn đã sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng đầu tư khoan giếng nước để có thể trồng bồn bồn quanh năm.

“Nhờ đưa cây bồn bồn làm kinh tế, đời sống bà con vươn lên hẳn, có không ít hộ thoát nghèo nhờ cây bồn bồn. Đồng thời, vào mùa nước, bồn bồn thu hoạch nhiều còn tạo việc làm cho những bà con nhàn rỗi nhờ việc nhổ, lột bồn bồn mướn. Mô hình trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cao, trên 100 triệu đồng/năm. Ở ấp sơ sơ cũng có 20 hộ trồng bồn bồn làm kinh tế”. trưởng ấp Tân Bằng Trương Văn Giang chia sẻ. 

Đất nuôi tôm vỏn vẹn chỉ có 4 công, đất ít, nuôi tôm quảng canh truyền thống thất nhiều hơn thu nên cuộc sống gia đình luôn khó khăn là lý do mà anh Đào Văn Sinh quyết định từ bỏ con tôm, chuyển sang trồng bồn bồn.

Bồn bồn, loại cây đơn sơ, hoang dại vậy mà mùa mưa, trồng xuống đâu là đâm rễ, vươn mình phát triển mạnh mẽ đến đó. Không bao lâu, cánh đồng bồn bồn đã xanh mướt. “Nhìn lại chặng đường qua, tôi thấy quyết định năm xưa là quyết định đúng đắn trong đời. Nếu không có sự mạnh dạn đổi thay ngày ấy thì cuộc sống gia đình tôi làm gì được như hôm nay”, anh Sinh chia sẻ.

Tận dụng mọi cơ hội

Bên cạnh đó, trồng bồn bồn, người dân còn có thêm nguồn thu từ việc thả nuôi tôm càng xanh hay cá đồng kết hợp trên cùng diện tích.

Thấy sẵn có nước ngọt, trồng bồn bồn chỉ có bón phân lai rai, chẳng xịt thuốc gì cả, là môi trường thuận lợi để cá đồng sinh sôi, phát triển nên anh Sinh kết hợp thả nuôi các loại cá đồng xen kẽ trên diện tích trồng bồn bồn.

Anh Sinh cho biết: “Trên diện tích trồng bồn bồn, tôi thả nuôi cá thác lác, cá bổi, cá lóc. Tôi bắt dần, bỏ mối cho vựa cá, ngày vài ký. Cá thác lác có giá 70-80 ngàn đồng/kg, cá bổi 50 ngàn đồng/kg, cá lóc dao động từ 100 ngàn đồng trở lên. Nói chung, cũng có thu nhập lai rai, thêm mình cũng tiết kiệm được chi tiêu trong gia đình”.

Tận dụng triệt để các cơ hội làm kinh tế, nông dân ấp Tân Bằng còn đang tính toán đến câu chuyện làm kinh tế từ dịch vụ câu cá giải trí. 4 khu trồng bồn bồn, với diện tích 40 ngàn mét vuông, anh Nguyễn Hoàng Thanh thả nuôi các loại cá đồng, chủ yếu là cá lóc, cá bổi. Ban đầu dự định của anh là làm kinh tế từ trồng bồn bồn, khi thấy mô hình này cho thu nhập khá cao. Qua hơn 1 năm trồng bồn bồn, anh Thanh mở dịch vụ câu cá giải trí để ai có nhu cầu thì tìm đến, còn mình cũng có thu nhập”.

Theo thống kê toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 100ha trồng bồn bồn. Cây bồn bồn ngày càng khẳng định được vị thế khi có thể thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nhằm phát huy tiềm năng của loại cây đặc sản này, UBND tỉnh Cà Mau đã giao Sở NN PTNT tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng rà soát hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bồn bồn, yêu cầu của thị trường đối với chất lượng, số lượng dưa bồn bồn.

Duy Khánh
Ảnh: Văn Điệp