Có thể nói, Việt Nam là một trong số những nước hiếm hoi có đội ngũ trí thức kiều bào đông đảo, hùng mạnh, song đóng góp của đội ngũ này cho công cuộc dựng xây đất nước vẫn còn ở rất xa mức tiềm năng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân hoàn toàn có thể khắc phục sớm.

Thế mạnh của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là được đào luyện, tiếp cận môi trường khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại, tiếp cận và nắm bắt được phương pháp quản lý kinh tế vĩ mô và chuyên ngành. Họ có khả năng phát kiến sáng tạo, có năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn đề xuất và tạo dựng mối quan hệ với các cơ sở khoa học, cơ sở kinh tế ở nước sở tại…

{keywords}
Hàng năm nhà nước có những buổi gặp mặt kiều bào.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình thống kê, tại Mỹ, đội ngũ trí thức người Việt khá đông đảo, ước tính có khoảng 150.000 người có bằng đại học hoặc trên đại học. Đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ, có nhiều tiềm năng, tập trung chủ yếu trong các ngành khoa học và kinh tế mũi nhọn như cơ khí chế tạo, tin học viễn thông, vũ trụ, y học, sinh học, quản lý kinh tế, chứng khoán. Hiện có hơn 10.000 chuyên gia, kỹ sư tin học, kỹ thuật viên cao cấp làm việc tại Thung lũng Silicon (San José); 150 người làm việc trong Ngân hàng Thế giới...

Tại Pháp có khoảng 40.000 trí thức, trong đó có khoảng 40 người có học hàm cao và giữ vị trí tương đối quan trọng trong các lĩnh vực hoá sinh, vật lý, công nghệ, toán học, tin học... Tại Đức có khoảng trên 300 trí thức khoa học kỹ thuật và chuyên gia lành nghề; một số đang giữ vị trí quản lý điều hành, tập trung ở các lĩnh vực điện tử, kỹ nghệ giấy in, hoá học, năng lượng, khai thác dầu khí, kiến trúc, toán máy tính, nông sinh, chế biến thực phẩm, y dược, tài chính... Tại Australia, có khoảng 7.000 trí thức, trong đó tỷ lệ giáo sư, tiến sỹ, phó tiến sỹ chiếm 0,5%; Tại Nhật, có khoảng 80 trí thức trong các ngành kinh tế, hoá sinh dược, nông lâm thuỷ sản, điện tử, tin học, cơ khí, xã hội học; Tại Đông Âu và Liên bang Nga, có khoảng 4000 người có trình độ đại học trở lên (riêng Nga có khoảng 2.500), trong đó có 500 giáo sư, tiến sỹ, phó tiến sỹ…

Cũng theo ông Nguyễn Phú Bình, mặc dù sinh sống và làm việc ở các nước có trình độ phát triển cao, được nước sở tại trọng dụng, chịu ảnh hưởng của ý thức, tư duy, lối sống khác với trong nước, nhưng đại bộ phận trí thức kiều bào vẫn nặng lòng nghĩ tới quê hương, đất nước. Nhiều người mong muốn có cơ hội tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, trong đó nhiều người sẵn sàng về nước làm việc để đóng góp chất xám của mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Từ khi Nhà nước ta bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, trí thức kiều bào đã tăng cường các mối quan hệ làm ăn với trong nước. Để tăng cường vai trò của kiều bào vào đời sống kinh tế-xã hội ở trong nước, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến bà con đóng góp vào các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước như dự thảo văn kiện các Đại hội Đảng XI, XII; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013; giới thiệu đại biểu kiều bào tham gia Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động lớn dành riêng cho kiều bào cũng được tổ chức như: Chương trình họp mặt kiều bào vào dịp Tết Nguyên đán, sau này được biết đến với tên gọi Xuân Quê hương, được tổ chức từ hàng chục năm nay; Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với quy mô toàn thế giới vào các năm 2009, 2012 và 2016, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào và được dư luận cộng đồng hết sức quan tâm, phản ánh đúng tâm nguyện của kiều bào mong muốn đoàn kết hướng về quê hương để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Chia sẻ về việc mở rộng không gian để kiều bào tham gia xây dựng quê hương, ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam (Ủy ban) ở nước ngoài chia sẻ, thu hút chất xám từ kiều bào luôn là vấn đề Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hết sức trăn trở.

Công tác thu hút nguồn lực kiều bào được Ủy ban tiến hành thường xuyên, với trọng tâm là hướng kiều bào đầu tư vào các chương trình kinh tế trọng điểm, vận động kiều bào tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao kinh tế, khoa học công nghệ.

 

Nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho trí thức kiều bào đóng góp cho những vấn đề lớn của đất nước cũng đã được Ủy ban tổ chức thành công như Diễn đàn chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đóng góp ý kiến về những vấn đề kinh tế - xã hội lớn trước thềm Đại hội Đảng XII hay Hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam” vào tháng 12/2016. Đặc biệt, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với quy mô trên toàn thế giới năm 2016 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong thu hút những sáng kiến, đề xuất của kiều bào về thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như đóng góp cho chiến lược phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Bên lề Hội nghị, Ủy ban tổ chức buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với 57 chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để Thủ tướng trực tiếp lắng nghe các ý kiến tư vấn của kiều bào.

Đầu năm nay, Ủy ban phối hợp Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tổ chức thành công Hội nghị những người Việt có tầm ảnh hưởng trên thế giới và các hội nghị khác liên quan tới lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thu Thủy