Mười năm qua, mặn xâm nhập sâu trong kênh rạch. Diện tích bị mặn xâm nhập tăng từ 700 nghìn ha lên trên 2 triệu ha ở ĐBSCL, lúa bị mắt trắng từ 100 nghìn ha tăng lên 240 nghìn ha. Áp lực của hạn - mặn đã khiến nông dân phải chọn cho mình giải pháp riêng: Sống chung với hạn mặn.

Đầu tiên là tự chuyển đổi tập quán canh tác cây lúa vì đây là đối tượng chính yếu tiêu tốn nhiều nước ngọt và dễ dị ứng với khô mặn, ở bán đảo Cà Mau đã có nông dân tự chuyển đổi chỉ trồng một vụ lúa mùa và xen canh với cây bắp, thậm chí có nơi không trồng cây lúa nữa mà chỉ nuôi tôm cá…

{keywords}
Để có thể mưu sinh, có thu nhập trong thời điển hạn mặn, người nông dân đã chủ động chuyển đổi sản xuất.

Trong 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện chỉ còn Đồng Tháp, An Giang chưa bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt. Trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi mặn, tác động mạnh đến sản xuất, nước sinh hoạt, Bến Tre thường phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, độ mặn cao nhất tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre là 13,7‰, các xã, phường tại thành phố Bến Tre có độ mặn dao động từ 5,3‰ đến 6,1‰. 

Với ngưỡng độ mặn này, hầu hết diện tích sản xuất lúa đều thiệt hại hoàn toàn nên người dân Bến Tre bằng kinh nghiệm quan sát con nước, dần chuyển đổi sang trồng dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, vừa có giá trị cao hơn, vừa giúp ứng phó hạn hán gay gắt.

Một số bà con xã Định Trung, huyện Bình Đại, 5 năm trước mỗi hộ gia đình canh tác khoảng 8 công lúa (8.000m2), dù thu nhập không cao nhưng họ cũng đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên đợt hạn mặn hồi năm 2016 đã khiến toàn bộ diện tích lúa thiệt hại hoàn toàn.

Sau cú sốc đó, một số nông dân đã chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa. Thu nhập từ trồng dừa khoảng 4 đến 5 triệu mỗi tháng. Trong khi thu nhập từ sản xuất lúa chỉ đạt 5 triệu đồng/vụ/năm.

Sự chủ động thích ứng với vùng đất nhiễm mặn từ cây dừa đã giúp nông dân từng bước vượt qua khó khăn trong điều kiện biến đổi khí hậu gay gắt như hiện nay. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ dừa.

Cùng với Bến Tre, nhiều nông dân của tỉnh Vĩnh Long cũng đã linh hoạt tìm phương hướng sản xuất phù hợp với tình hình thời tiết xảy ra hạn mặn liên tiếp và kéo dài.

Bà con nông dân xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nhằm ứng phó với thời tiết khắc nghiệt hiện nay cũng đã triển khai những vùng đất trồng hoa màu như dưa hấu, ngô để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Anh Lê Tấn Phong, ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long có 1ha đất lúa giờ đã chuyển sang trồng ngô.

Trước khi trồng, anh làm đất và tận dụng màng phủ của người trồng dưa hấu bỏ đi, qua đó giảm công tưới, chăm sóc giúp giảm chi phí vì tiết kiệm nước. Số lượng ngô nếp của gia đình được thương lái thu mua với giá bán 3.300 đồng/kg. Anh Phong thu lãi hơn 14 triệu đồng/ha, gấp đôi so với trồng lúa.

Cà Mau có khoảng 40 nghìn ha canh tác mô hình lúa-tôm, trong đó có khoảng 50% diện tích tập trung ở Thới Bình – địa phương sắp về đích huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Nhuận, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình cho biết, thực hiện khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, vụ lúa trên đất nuôi tôm vừa qua, gia đình ông trồng giống ST 21, thu hoạch năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, được bao tiêu đầu ra với giá hơn 7.000 đồng/kg. “Loại giống ST thời gian sinh trưởng ngắn, nên khi nước mặn về gia đình tôi đã thu hoạch xong vụ lúa, không bị ảnh hưởng”, ông Nhuận chia sẻ.

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đề cao việc thích nghi với biến đổi khí hậu gắn với cây trồng, vật nuôi và cơ cấu mùa vụ hợp lý. 

Ông Hà Minh Sữa, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực cho biết, nhờ liên kết “bốn nhà” mà đến cuối năm 2018, nông dân toàn xã hoàn thành xong việc chuyển đổi các giống lúa mùa địa phương, giống dài ngày sang các giống có gốc “ST” và lúa hữu cơ, thời gian sinh trưởng ngắn. “Nông dân 5/5 ấp của xã cũng tham gia vào các hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp ký bao tiêu toàn bộ đầu ra. Nhờ đó mà hạn-mặn dù có đến sớm cũng không phương hại đến sản xuất của người dân”, ông Sữa khẳng định.

Thu Hằng