Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường từng nhấn mạnh, chương trình OCOP là bước tiếp theo để tăng thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM nên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Qua 1 năm thực hiện, nhiều xã, huyện trên địa bàn Đồng Nai đều rất chú trọng triển khai Chương trình OCOP với mong muốn ngày càng nhiều các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương vươn ra khỏi “lũy tre làng”, được cả thị trường nội địa và xuất khẩu biết tiếng.

{keywords}
Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Đồng Nai tham gia xúc tiến thương mại

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, ngay từ khi mới triển khai, địa phương đã xem chương trình OCOP là sức bật để phát triển sản xuất nên đã đăng ký 7 sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình như: nấm mèo, chuối sấy, bưởi da xanh, các loại trái cây tươi… Năm ngoái, huyện có 2 sản phẩm được công nhận OCOP.  Hiện địa phương đang hỗ trợ 3 đơn vị hoàn thiện quy trình sản xuất, hồ sơ đánh giá để có ít nhất 2/3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; đồng thời tiếp tục rà soát, đăng ký, hỗ trợ cho các sản phẩm mới có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và mang tính đặc trưng của địa phương.

Yếu trong khâu phát triển, mở rộng kênh tiêu thụ là một trong những hạn chế đang được các doanh nghiệp, HTX làm sản phẩm OCOP của Đồng Nai nỗ lực khắc phục. Theo bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở Chế biến hạt sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch), lâu nay, sản phẩm của cơ sở chủ yếu cung cấp ra các chợ hay vào đại lý mà chưa tiếp cận được hệ thống các siêu thị và cửa hàng bán lẻ hiện đại. 

“Chương trình OCOP đã hỗ trợ rất nhiều cho cơ sở trong quảng bá về sản phẩm, nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị để chuẩn hóa hơn từ khâu chế biến đến đóng gói. Cơ sở cũng đã đầu tư thay đổi mẫu logo, xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm để chào hàng vào siêu thị và các kênh bán lẻ hiện đại” - bà Lệ chia sẻ.

Thu Hằng
Ảnh: H. Kiên