Phần mềm đăng ký mới hoàn toàn tự động

Ngày 26/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào vận hành phần mềm mới về kê khai thông tin để nhận giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa thông qua mã QR Code được thực hiện tự động, không qua phê duyệt của các Sở Giao thông - Vận tải.

Doanh nghiệp truy cập đường link https://vantai.drvn.gov.vn, nhập các thông tin khai báo bắt buộc về đơn vị vận tải và phương tiện (lái xe, nhân viên bốc xếp hàng hóa); hành trình và hàng hóa vận chuyển. Hệ thống tự động sinh mã QR Code và gửi lại tài khoản của người kê khai.

Đơn vị vận tải tải xuống mã QR Code, tự in giấy nhận diện phương tiện kèm theo mã QR lên giấy (khổ A5) để dán trên kính phía trước và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính hai bên cửa xe.

{keywords}
Phần mềm cấp mã QR Code 'luồng xanh' kích hoạt hàng hoá thông suốt

Sở Giao thông - Vận tải thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn về việc vận hành phần mềm kê khai thông tin giấy nhận diện cho phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Từ 19/7/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa vào sử Cổng Thông tin đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode để ưu tiên cho các phương tiện khi hoạt động tại các địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cổng thông tin có địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn áp dụng tại 63 Sở Giao thông - Vận tải.

Giảm thủ tục cho doanh nghiệp

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ, khác với quy trình trước đây, phần mềm mới tự động cấp mã QR Code sau khi doanh nghiệp, lái xe đã khai báo đầy đủ thông tin. Doanh nghiệp, lái xe sẽ không phải in nhiều lần giấy nhận diện có mã QR Code mỗi khi thay đổi thông tin và phải chịu trách nhiệm toàn bộ thông tin về lái xe, giấy xét nghiệm y tế khi báo trên phần mềm.
 
“Phần mềm mới thay đổi về quy trình cấp giấy ưu tiên “luồng xanh” vận tải, giúp giảm tải trong xét duyệt cấp giấy nhận diện luồng xanh vận tải như trước đây. Bên cạnh đó là cải tiến về công nghệ giảm tải cho hệ thống, đáp ứng nhu cầu truy cập với số lượng lớn cùng một lúc. Phần mềm tự động cấp mã QR Code cũng giúp xóa bỏ tình trạng quá tải trong xét duyệt hồ sơ và cấp giấy nhận diện tại các Sở Giao thông - Vận tải", ông Toàn cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thái An Dương, có địa chỉ tại phường Hoàng Văn Thụ (TP.Thái Nguyên) chia sẻ: Chúng tôi đã đăng ký cấp thẻ nhận diện “luồng xanh” cho 13 phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa bàn TP.Hà Nội. Quy trình đăng ký khá thuận tiện nên không ảnh hưởng nhiều đến việc vận chuyển hàng hóa của đơn vị.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, đại diện Công ty ASM cho biết, quy trình đăng ký "luồng xanh" nhanh chóng, chỉ 24 giờ sau khi hoàn thành thủ tục là được trả kết quả. "Mặt hàng chúng tôi vận chuyển đều là hàng tiêu dùng thiết yếu. Lái xe luôn xét nghiệm đầy đủ, phương tiện được cấp phép lưu thông và đặc biệt là tuân thủ đúng lộ trình. Nhờ vậy, xe đi qua các chốt kiểm dịch khá thuận lợi, ách tắc chỉ trong thời gian đầu, đến nay cơ bản đã thông suốt", ông Tuấn chia sẻ.

Tại cuộc họp trực tuyến về tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nông sản trong điều kiện phòng, chống dịch vào chiều 25/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các bộ, ngành và tỉnh, thành thời điểm này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu (trừ hàng cấm). Các tuyến đường bộ, đường thủy là “luồng xanh” để phục vụ vận chuyển hàng hóa.

“Tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đều được lưu thông; cấp mã QR là để tạo ưu tiên khi qua chốt, chỉ tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm minh với các vi phạm. Khi tổ chức kiểm soát phải đảm bảo không được để ùn tắc giao thông kéo dài, nghiêm trọng. Nếu xảy ra ùn tắc phải xả chốt ngay để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây bức xúc cho lái xe và ách tắc hàng hóa. Việc cấp QR Code là tự động, toàn bộ, lái xe, chủ phương tiện chủ động cập nhật thông tin nếu có sự thay đổi mà không cần phải làm lại hồ sơ cấp QR Code”, ông Thể nhấn mạnh.

Bên cạnh đường bộ, các loại hình vận tải khác cũng được chú trọng, nhất là vận tải khối lượng lớn như đường thủy. Theo ước tính, 95% lượng lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển qua đường thủy. Hiện nay, vận tải thủy ở các tỉnh phía Nam vẫn đang được duy trì theo nguyên tắc phòng chống dịch, chỉ dừng hoạt động với thuyền dân sinh.

Bộ Giao thông - Vận tải đã có chủ trương và khuyến khích các địa phương lập "luồng xanh" đường thủy ngay từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời đã yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện vận tải thủy lưu thông, kể cả cấp phép cho tàu cao tốc chở khách được hoán cải tạm thời để vận chuyển nông sản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông - Vận tải luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Vì vậy, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa được coi là “luồng xanh” cho các phương tiện thủy tham gia vận tải hàng hóa.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài ảnh Bảo Anh