Triển vọng ngành thuỷ sản

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã và đang có những thay đổi khi các doanh nghiệp Việt Nam tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thủy sản được ưu đãi thuế từ EVFTA. Trong khi đó, phía đối tác cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm thủy sản từ Việt Nam do có mức giá cạnh tranh hơn. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt khoảng 485,3 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu tôm sang thị trường châu Âu tăng trưởng mạnh bởi đây là mặt hàng được cắt giảm ngay thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA, hoặc theo lộ trình 3, 5 năm, tôm chế biến theo lộ trình 7 năm.

Xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng hơn 31%. Thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA đối với cá ngừ tươi sống, đông lạnh hoặc phi-lê, ướp lạnh được cắt giảm ngay (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh). Đối với cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm. 

{keywords}
Cú huých từ EVFTA thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu surimi tăng mạnh. Theo cam kết hàng năm, surimi là mặt hàng sẽ có lượng hạn ngạch hưởng thuế 0% theo EVFTA là 500 tấn. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm sang EU mặt hàng surimi (HS 160420) đạt 3,19 triệu USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, bên cạnh những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu cao, xuất khẩu cá tra còn nhiều khó khăn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, cá ngừ có trị giá xuất khẩu lớn thứ hai sang EU, đạt 73,3 triệu USD, tăng 31,6%. Thị trường EU chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Trong đó, riêng xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp đạt 35,5 triệu USD, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu nghêu, sò, bạch tuộc, mực đều ghi nhận tăng trưởng. Những mặt hàng này được cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA là cắt giảm ngay hoặc theo lộ trình 3 năm. Một số dòng sản phẩm chế biến của mực, bạch tuộc, nghêu, ốc được cắt giảm thuế ngay đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao. 

Bộ Công Thương cho biết, thị trường EU chiếm trên 14% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam, đứng thứ ba sau thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản. Với kết quả hết sức khả quan này, Liên minh châu Âu cũng đã trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam.

Các thị trường lớn như Hà Lan (chiếm 20,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU, đạt 99 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020), Đức (chiếm 19%, đạt 92 triệu USD, tăng 19,3%), Italy (chiếm 13%, đạt 63 triệu USD, tăng 78,7%), Bỉ (chiếm 11,7%, đạt 57 triệu USD, tăng 3,3%), Pháp (chiếm 7,8%, đạt 37 triệu USD, tăng 11,8%)...

Ngoài ra, một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ lại đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu: Bungari (tăng 192,7%), Estonia (tăng 153,5%), Litva (tăng 66,3%), Thuỵ Điển (tăng 63,1%),...

Tận dụng lợi thế

Nhu cầu thủy hải sản tăng mạnh ở châu Âu là cơ hội lớn cho thủy hải sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vừa được giá, có thể thắng lớn. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Trong đó, những thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khối EU là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ và Pháp. Đây là kết quả tương đối tích cực, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, cước phí vận tải tăng lên mức cao kỷ lục trong khi xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU vẫn chưa được gỡ thẻ vàng IUU. 

Theo các chuyên gia, việc bước vào sân chơi lớn cũng đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Về lâu dài, muốn phát triển bền vững trong “sân chơi thương mại” này, doanh nghiệp cần phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ.

Đồng thời, doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, chuẩn bị các nguồn lực, sản xuất các hàng hóa chất lượng. Đặc biệt, doanh nghiệp phải kiểm soát được chất lượng thủy sản thông qua việc kiểm soát chuỗi sản xuất, hệ thống cung ứng... Chỉ có như vậy mới nắm bắt và tận dụng được cơ hội xuất khẩu bền vững..

Chính phủ đã có những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ðó là những nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng. Xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành chính sách theo hướng tạo thuận lợi cao nhất, minh bạch và bảo đảm công bằng; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở thị trường châu Âu ngày càng phục hồi mạnh mẽ. Cùng với nhiều ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tạo đà thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường EU.

Thanh Hùng