Theo số liệu thống kê, tổng diện tích cỏ tranh ở các lâm phần trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận khoảng 22.000ha; trong đó, Vườn quốc gia Núi Chúa có 3.000ha.

{keywords}
Vận động người dân tham gia khai thác cỏ tranh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Raglai, giúp người dân cải thiện cuộc sống. 

Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng khiến người dân có xu hướng tìm về với thiên nhiên; các khu du lịch, khu vui chơi có cảnh quang nguyên sơ luôn là lựa chọn hàng đầu cho các kỳ nghỉ dưỡng.

Theo xu hướng chung, các nhà đầu tư cũng luôn chú trọng đến việc phát triển du lịch dựa vào tự nhiên, đặc biệt là sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Cỏ tranh là một trong những vật liệu chính để phục vụ các công trình du lịch sinh thái, các mô hình nhà đất và mái tranh tại các resort, các khu nghỉ dưỡng ngày càng phổ biến.

Nắm bắt được nhu cầu thực tế của thị trường, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa đã liên kết với nhà đầu tư cung cấp cỏ tranh trong xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch. Để làm được việc này, đơn vị đã vận động người dân tham gia khai thác cỏ tranh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Raglai, giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Ông Trần Văn Tiếp, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa, cho biết: Bảo vệ rừng, bảo vệ lâm phần không thể không nhắc đến vai trò của người dân. Do đó, những năm qua đơn vị đã tranh thủ mọi nguồn lực tại chỗ để phát triển rừng, cũng như tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Hiện nay, VQGNC đang triển khai thử nghiệm mô hình Tổ cộng đồng bảo vệ rừng kết hợp khai thác cỏ tranh tại thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) với 20 hộ tham gia; các hộ được VQGNC tổ chức tập huấn, đào tạo trong khai thác, hỗ trợ kinh phí, bãi tập kết dùng để đan cỏ tranh thành từng tấm trước khi giao cho khách hàng. Anh Mấu Văn Ớt, ở địa phương, cho biết: Trước đây nhận bảo vệ rừng khoán quản, đầu năm nay tham gia thực hiện mô hình có thêm thu nhập, bình quân mỗi ngày từ 300.000 đến 400.000 đồng.

Khai thác cỏ tranh ngoài việc tạo sinh kế bền vững cho người dân còn mang lại nhiều mục đích hữu hiệu như: Tiêu diệt vật liệu cháy rừng; tạo môi trường tốt cho các loài động vật ăn cỏ trong rừng phát triển; tiết kiệm ngân sách cho công tác chữa cháy rừng; tạo thuận lợi trong việc kết hợp tuần tra bảo vệ rừng với khai thác cỏ tranh.

Sắp tới, Vườn quốc gia Núi Chúa sẽ mở rộng vùng khai thác nguyên liệu cỏ tranh để đảm bảo cho Tổ cộng đồng nghề làm tranh lợp nhà hoạt động liên tục; đồng thời, xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình nhằm tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.

Hồng Hạnh
Ảnh: Thành Huế