Chủ động thực hiện cam kết đối với việc thực hiện nghiêm túc, nhất quán, toàn diện chủ trương tôn trọng và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã lên kế hoạch những công việc cần làm chuẩn bị cho giai đoạn triển khai các cam kết, bắt đầu từ năm 2020.

{keywords}
Thách thức đan xen cơ hội để thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc – Trưởng Đoàn Việt Nam tham gia Phiên đối thoại chia sẻ, thành công của Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền vừa qua về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 là do Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, được quốc tế ghi nhận về cải cách sâu rộng, toàn diện, trong đó có cải cách pháp luật và tư pháp, cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đặt con người vào trung tâm của các chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có tiếng nói, đóng góp vào sự phát triển đất nước và được hưởng thụ một cách công bằng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau Phiên đối thoại, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), thể hiện cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện nghiêm túc Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền. 

Quyết định số 1252/QĐ-TTg đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Cụ thể, Quyết định số 1252/QĐ-TTg  đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tập trung vào 03 nhóm vấn đề: thứ nhất là tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR; thứ hai là nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về các quyền dân sự và chính trị và thứ ba là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo về các nội dung Công ước.

Các cơ hội đem lại từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với nỗ lực cải cách tư pháp đã mở đường cho Việt Nam có nhiều cơ hội lớn hơn so với trước đây để thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR. 

Theo các chuyên gia chính trị, một trong những cơ hội lớn nhất chính là Việt Nam đã và đang đi đúng hướng, những nỗ lực và cố gắng vừa qua của Việt Nam đã đem lại những kết quả tích cực, cụ thể. 

{keywords}
Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước lần thứ 3 trong Phiên đối thoại tại Ủy ban Nhân quyền của LHQ. Ảnh minh họa.


Thách thức và cơ hội đan xen

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc mọi việc sẽ đều thuận lợi hoặc sẽ không có khó khăn, thách thức gì đối với Việt Nam trong thực hiện Công ước này trong thời gian tới. Bởi vấn đề quyền con người có thể được mổ xẻ, phân tích, đánh giá và khai thác từ nhiều góc độ khác nhau, phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Việc hiểu đúng vấn đề này, đặt đúng vào bối cảnh, hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia luôn là một thách thức. 

Bản thân khuôn khổ pháp luật quốc tế về quyền con người luôn phát triển phù hợp với sự phát triển của tình hình quốc tế. Chính vì vậy, việc cập nhật, nâng cao hiểu biết để theo kịp sự phát triển của pháp luật quốc tế về quyền con người là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Công ước ICCPR đã tồn tại 53 năm mà chưa có sửa đổi, nhưng những bình luận, giải thích chính thức về các quy định tại Công ước của Ủy ban Nhân quyền đã có những sự phát triển mạnh mẽ, đi cùng với đó là sự gia tăng trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam. 

Với điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam thì ngoài những khó khăn, thách thức chung như đối với các công việc khác, những thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện Công ước đã được thể hiện ở 03 nhiệm vụ chính mà Kế hoạch đã nêu: thứ nhất là cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thứ hai là nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thứ ba là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo về Công ước ICCPR. 

Tuy nhiên, cơ hội và thách thức là đan xen nhau và phụ thuộc nhiều vào cách mà chúng ta tiếp cận, giải quyết vấn đề. 

Thu Thủy