Bắc Giang là ổ dịch Covid-19 lớn của Việt Nam vào tháng 5, tháng 6/2021 với nhiều ca bệnh, mức độ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chỉ đạo, điều hành của Chính Phủ, sự đồng lòng, chung sức của người dân cả nước, Bắc Giang đã dần trở lại hoạt động bình thường mới.

Các khu công nghiệp quay lại hoạt động sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gấp rút thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cho 6 tháng cuối năm.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 hơn nữa, Ban Chỉ đạo Khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại tỉnh (KPHĐSXCN,KDTM) Bắc Giang vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng lao động đã được xét nghiệm sàng lọc RT-PCR có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tất cả người lao động của doanh nghiệp phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người lao động vi phạm cam kết đã ký.

Trường hợp phát sinh ca nhiễm, nghi nhiễm do người lao động vi phạm các quy định phòng, chống dịch và Bản cam kết đã ký, các doanh nghiệp phải báo cáo về Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh (đối với doanh nghiệp trong KCN), báo cáo về UBND huyện, thành phố (đối với doanh nghiệp ngoài KCN) để xử lý theo quy định pháp luật.

Nếu phát hiện vi phạm của người lao động mà doanh nghiệp không báo cáo, Ban Quản lý các KCN tỉnh (đối với doanh nghiệp trong KCN), UBND huyện, thành phố (đối với doanh nghiệp ngoài KCN) quy trách nhiệm cho doanh nghiệp và có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật vê phòng, chống dịch đối với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chỉ được phép đón người lao động trở về nơi lưu trú tập trung khi đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch và có văn bản chấp thuận của UBND huyện, thành phố. Sau khi đón về nơi lưu trú phải tổ chức cách ly người lao động tạm thời từ 3 đến 5 ngày và tổ chức xét nghiệm RT-PCR cho người lao động sau ngày thứ 03; chỉ được phép đưa người lao động trở lại làm việc và dừng việc cách ly tạm thời tại nơi lưu trú đối với lao động có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính.

Đối với tuyển mới lao động, doanh nghiệp chỉ được phép tuyển dụng người lao động đang cư trú trong “vùng xanh” trong và ngoài tỉnh. Ngày đầu tiên người lao động vào doanh nghiệp làm việc, doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người lao động bằng phương pháp RT-PCR.

Doanh nghiệp không sử dụng lao động đang cư trú trong “vùng đỏ” trong và ngoài tỉnh; trong “vùng vàng” ngoài tỉnh. Tất cả doanh nghiệp phải cài đặt và thường xuyên cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý và truy vét Covid cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động kể cả những người tiếp xúc, đối tác với doanh nghiệp. Thực hiện xét nghiệm định kỳ 72 giờ/lần đối với tất cả người lao động ngoài tỉnh đi về hàng ngày.

Mỗi doanh nghiệp thành lập ít nhất một Tổ an toàn Covid-19; tùy theo quy mô sản xuất, số lượng lao động, đặc thù bố trí sản xuất của doanh nghiệp mà quyết định thành lập các Tổ an toàn Covid-19 gắn với tổ sản xuất, phân xưởng sản xuất, khu vực sản xuất... đảm bảo phù hợp với tính chất hoạt động và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Doanh nghiệp bố trí khu vực để giao nhận hàng, đảm bảo điều kiện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; hạn chế thấp nhất người giao nhận hàng là người ngoài doanh nghiệp tiếp xúc với người trong doanh nghiệp.

Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thành lập Bộ phận y tế; giới thiệu cho doanh nghiệp những cơ sở y tế đủ năng lực để doanh nghiệp ký hợp đồng; cử cán bộ hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của bộ phận y tế, nhất là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nguyễn Thảo