Tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong những tháng tới đây vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Giới chuyên gia khuyến cáo, mô hình phòng, chống dịch trong nước đã có sự thay đổi từ “zero-Covid” sang “sống chung thích ứng, an toàn“ với virus cần được tiếp tục triển khai bên cạnh với việc tăng cường phủ vắc xin để tránh các trường hợp giãn cách ở các địa phương tác động đến khôi phục sản xuất, lưu thông. 

{keywords}
Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện.

Tại Báo cáo "Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam“ tháng 12, Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận Việt Nam đã tiêm vắc xin nên tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm bắt đầu theo xu hướng giảm. Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều ghi nhận tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ 2 liên tiếp, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký phục hồi sau khi giảm trong tháng 10.

Lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm trong nước đang phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chính phủ tiếp tục chính sách tài khóa thắt chặt và cân đối ngân sách tiếp tục có thêm 1 tháng thặng dư nhờ thu ngân sách tăng.

Chính sách sống chung với Covid-19 đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng, cả về tiêm vắc xin, giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly y tế. Ngoài ra, cũng cần có các hỗ trợ về chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân và giúp nền kinh tế trong nước phục hồi.

Hướng đi cần thiết để thực hiện mục tiêu này là cung cấp hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm nay, một phương án chính sách khác có thể cân nhắc là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục theo dõi sát khu vực tài chính.

Cần thêm thời gian để khôi phục sản xuất, kinh doanh

Cộng đồng DN châu Âu cũng lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam, sau khi giãn cách xã hội kết thúc. Dấu hiệu tích cực này đã được thể hiện trong Chỉ số môi trường kinh doanh EuroCham (BCI) quý 3, khi BCI chứng kiến mức tăng nhẹ với 18,3 điểm phần trăm (từ mức thấp kỷ lục được ghi nhận trong tháng 9). Mặc dù vẫn ở mức chưa cao, nhưng BCI đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Hoạt động bán lẻ tiếp tục suy giảm làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước. Đà suy giảm đã được chặn lại kể từ tháng 10, sau nghị quyết 128 nhưng hoạt động bán lẻ cả năm nay tiếp tục đà suy giảm. Trong bối cảnh các DN dự kiến có các chương trình kích cầu cuối năm nhân Tết âm lịch, cầu và cung bán lẻ dự kiến cũng sẽ nhúc nhắc đi lên.

Tuy nhiên, DN còn nhiều khó khăn kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 cuối tháng 4 về các mặt gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, gia tăng chi phí hoạt động và giảm năng suất, thiếu hụt lao động. Chắc chắn, khu vực DN cần thêm thời gian để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó,  rủi ro tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đối với lĩnh vực tiền tệ, tài khóa và đời sống của người dân đã bị bào mòn về kinh tế trong đại dịch.

Trong bối cảnh xuất khẩu vẫn đang là một động lực lớn cho tăng trưởng, cần tận dụng cơ hội từ các FTA mới như EVFTA/UKVFTA và CPTPP...

Gần đây có nhiều góp ý của các nhà kinh tế về quy mô của gói kích thích kinh tế, từ 2-3% GDP đến 8-10% GDP cho năm 2022 và 2023. Dù vậy, đến nay quy mô chính thức chưa được công bố và xem xét ở Quốc hội.

Điều đó thể hiện sự thận trọng và cách thức Việt Nam sẽ thích ứng trong bối cảnh thế giới đối diện với lạm phát và giá cả tăng cao sau khi thực hiện các gói hỗ trợ khổng lồ giúp người dân và DN. 

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trung Kiên