Đây là một trong những giải pháp của Bộ NN-PTNT nêu ra trong báo cáo khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm nay gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lạikhiến nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16. Điều này tác động lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của cả nước, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm đạt 3,82%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%. Bên cạnh đó, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước. Đến cuối tháng 7, sản xuất nông lâm thuỷ sản cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Song, Bộ NN-PTNT nhận định, dịch Covid-19 dự kiến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách; việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Hơn 1,1 triệu tấn rau củ, trái cây vào vụ thu hoạch, Bộ NN-PTNT yêu cầu thiết lập gấp "vùng xanh" nông sản để không đứt gãy chuỗi cung ứng 

Sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40 nghìn tấn, chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40 nghìn tấn, dứa 30 nghìn tấn, mít khoảng 10 nghìn tấn...

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Các thị trường xuất khẩu chính gia tăng áp dụng rào cản kỹ thuật thương mại, điều tra nguồn gốc đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam…

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới Bộ NN-PTNT chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.

Tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet...) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.

Phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội (phụ nữ, đoàn thanh niên) xây dựng chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Trước mắt, đề xuất xây dựng mạng lưới thông tin liên kết giữa các đơn vị của ngành nông nghiệp với các chi hội, chi đoàn từ trung ương tới địa phương và triển khai xây dựng các điểm chuẩn hóa mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch tại các thành phố, khu dân cư.

Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng tập trunggiải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logictics, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Ngoài ra, tại các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, 16 cần hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn; rà soát hoạt động cung ứng hàng hoá của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực.

“Thiết lập điểm tập kết hàng hoá tạm thời. Nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối; Tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; Dồng thời, thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hoá, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16”, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng yêu cầu các địa phương cần thống kê số liệu, thông tin về sản lượng, diện tích, thông tin về mùa vụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của từng địa phương trên cả nước để cung cấp cho các đơn vị truyền thông; đồng thời theo dõi, nắm bắt điểm nóng tiêu thụ, chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kịch bản tiêu thụ.

Tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT thông xây dựng kế hoạch cho các nông sản chủ lực, đặc sản của địa phương theo mùa vụ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử trong tình hình dịch Covid-19.

Riêng về thị trường xuất khẩu, Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh các hoạt động XTTM quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản,...

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Bài và ảnh: Thu Thủy