Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong top đầu khu vực châu Á, do đó phải đối mặt với những sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số,… đồng nghĩa với lượng chất thải cũng gia tăng.  

Trước vấn đề môi trường hiện nay, kiểm toán môi trường (KTMT) được nhìn nhận như là một công cụ cung cấp các thông tin về môi trường, làm cơ sở cho các đánh giá khả năng rủi ro về môi trường mà doanh nghiệp gây ra, nghĩa vụ môi trường của doanh nghiệp, cũng như mức độ thỏa mãn đối với các tiêu chuẩn hoặc luật lệ về môi trường. KTMT giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khỏe cộng đồng và cải thiện công tác quản trị môi trường ở mức độ doanh nghiệp.

KTMT còn là một trong những công cụ hỗ trợ cho việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức sản xuất - kinh doanh trong bảo vệ môi trường bền vững.

{keywords}
Trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh học và biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh học và biến đổi khí hậu. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quản lý và bảo vệ môi trường, Theo đó, mọi đơn vị, tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt để bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.

Thông qua việc triển khai công tác KTMT, Chính phủ sẽ thấy được mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường của đơn vị được kiểm toán, phát hiện được những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, như tồn tại trong việc lập, phân bổ và giao dự toán; những tồn tại trong việc chấp hành chế độ thu, chi, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; và tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

KTMT cũng chỉ ra những bất cập của các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường. Trên cơ sở những tồn tại, bất cập đã phát hiện được, kiểm toán viên sẽ đưa ra kiến nghị cụ thể đối với các đơn vị được kiểm toán và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội.

Những kiến nghị đó có tác động đáng kể để cải thiện tình hình về quản lý và bảo vệ môi trường cả trên góc độ về xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ phù hợp; về quản lý và bảo vệ môi trường nói chung, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường nói riêng, đảm bảo sự phát triển bền vững của từng đơn vị cũng như toàn bộ nền kinh tế. Quan trọng hơn, chúng sẽ góp phần tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng.

KTMT còn giúp tăng cường nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường của lãnh đạo và nhân viên trong đơn vị, thúc đẩy đơn vị đó phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chung theo hướng “sản xuất sạch hơn”.

Qua kiểm toán môi trường sẽ đưa ra kết luận, những con số cụ thể về hạn chế hoặc sai phạm trong quá trình và kết quả quản lý môi trường của đơn vị, chỉ ra những bất cập như rò rỉ khí đốt, rò rỉ điện,... gây nên lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường, hay vấn đề chất thải công nghiệp chưa được xử lý đúng yêu cầu.

Những tồn tại đó vừa dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận vừa dẫn đến ô nhiễm môi trường, và có thể doanh nghiệp phải chịu thêm khoản tiền phạt lớn hay ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế cạnh tranh của đơn vị. Từ đó, đơn vị được kiểm toán sẽ hiểu rõ hơn về mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị, xác định được những tồn tại cụ thể trong việc thiết kế và vận hành các hệ thống quản lý môi trường của đơn vị mình (nhất là đối với đơn vị đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000).

Những kết luận và kiến nghị của kiểm toán viên sẽ giúp cho đơn vị nhận thức rõ hơn tác dụng kép về kinh tế “giảm chi phí, tăng uy tín và hiệu quả hoạt động” của việc bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Theo đề xuất của kiểm toán viên, đơn vị có thể thiết kế quy trình sản xuất hợp lý hơn để tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải, thay thế bằng loại nguyên vật liệu phù hợp hơn để giảm thiểu chất thải rắn, chất thải khí, sử dụng trang thiết bị phù hợp để giảm thiểu phế liệu, phế thải...

Việc đánh giá và kết luận hiện trạng môi trường của doanh nghiệp đối với việc đảm bảo các yêu cầu cơ bản về sức khỏe con người, có thể sẽ đưa ra những cảnh báo về ô nhiễm môi trường đã được phát hiện trong quá trình kiểm toán còn giúp ban quản lý và cán bộ công nhân viên trong đơn vị nhận thức rõ nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến chính bản thân họ như nguy cơ bệnh nghề nghiệp, nguy cơ suy giảm sức khỏe, giảm sút năng suất lao động ngay trong đơn vị, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường chung và sức khỏe cộng đồng.

Qua đó, mọi người trong đơn vị được kiểm toán sẽ quan tâm hơn đến việc tìm kiếm và thực hiện những giải pháp hữu hiệu hơn nhằm đảm bảo sản xuất sạch hơn để bảo vệ môi trường (như xây dựng và thực hiện những thủ tục quản lý, kiểm soát tiết kiệm năng lượng, quản lý và xử lý chất thải, chú ý đến trang thiết bị có tính năng tốt đối với môi trường, sức khỏe và sự an toàn, có thể tái chế nguyên vật liệu khi có cơ hội, có thể sử dụng các loại vật liệu thân thiện hơn với môi trường...), từ đó tạo ra nếp văn hóa đẹp “vì lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng” trong đơn vị. Đây cũng là giải pháp thiết thực để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn đơn vị, đồng thời giúp doanh nghiệp có được “Giấy thông hành xanh” đối với các sản phẩm của mình, tăng uy tín trên thương trường, giúp cho đơn vị phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường chung ở Việt Nam, khu vực và trên toàn thế giới.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, sự tự nguyện thực hiện KTMT và công bố thông tin về môi trường còn rất hạn chế. Nhiều vụ việc nghiêm trọng được giải quyết theo hướng tạm thời; việc kiểm tra về môi trường chủ yếu được thực hiện thông qua các báo cáo đánh giá tác động môi trường mang tính hình thức của doanh nghiệp; chưa có sự chặt chẽ của các Bộ, ngành; các chế tài luật pháp về môi trường chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu dừng ở xử phạt hành chính; chưa xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về môi trường quốc gia làm cơ sở cho các đối chiếu và kiến nghị của kiểm toán viên; các vấn đề đào tạo KTMT chưa được triển khai hiệu quả; các quy định hoặc hướng dẫn liên quan đến KTMT trong các tổ chức, DN còn hạn chế, ảnh hưởng đến thông tin phục vụ cho KTMT.  

Với ý nghĩa và tầm quan trọng vô cùng to lớn của môi trường đối với cuộc sống và của cả nền kinh tế, hoạt động KTMT vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Hồng Khanh (tổng hợp)