Một trong những thách thức lớn mà Trà Vinh phải đối mặt trong nhiều giai đoạn là tỷ lệ hộ nghèo rất cao, nhất là ở vùng đồng dào dân tộc Khmer, chiếm đến 57%. Nhờ nỗ lực, quyết tâm, những năm qua, chương trình giảm nghèo bền vững ở Trà Vinh đã đạt kết quả khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,8%/năm, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm 4,4% vượt 1,6% so với kế hoạch đề ra.

Góp phần tích cực vào kết quả này là Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tạo lập được nguồn vốn khá lớn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

Theo đó, 18 năm qua, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Trà Vinh đạt gần 5.000 tỷ đồng với hơn 470 nghìn lượt hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh được tiếp cận thuận lợi 14 chương trình tín dụng chính sách.

Sáu tháng đầu năm nay, khắc phục khó khăn lớn từ dịch bệnh Covid-19, thiên tai hạn hán, NHCSXH ở 9 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh vẫn duy trì tốc độ giải ngân, chuyển tải 850 tỷ đồng đến các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn.

{keywords}
Vốn tín dụng chính sách đã giúp rất nhiều người thoát nghèo, cải thiện thu nhập. 

Giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, người Khmer trên miền quê duyên hải Trà Vinh xây dựng nhiều dự án, mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản; mô hình nuôi tôm, cá kết hợp trồng lúa, trồng cây thực phẩm trên đất giồng cát với mức thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm…

Có hộ gia đình khởi nghiệp với 5 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, sau 3 năm, bán được hơn 40 triệu đồng. Đến năm 2018, hộ này lại được NHCSXH tạo điều kiện tiếp tục vay 50 triệu để mở rộng chăn nuôi, cải tạo rẫy trồng bắp nếp, chuồng trại, trừ chi phí mỗi năm đã cho gia đình thu khoảng 70 - 80 triệu đồng.

Xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú với hơn 2 nghìn hộ dân tộc Khmer được NHCSXH ưu tiên đầu tư vốn ưu đãi, lại hướng dẫn cặn kẽ thủ tục trả nợ nộp lãi, gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn nên nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn làm ăn phát đạt ngay tại quê hương.

Có thể nói, nguồn vốn chính sách ở Trà Vinh đã đến được đúng đối tượng, đồng thời phát huy hiệu quả rõ rệt bởi NHCSXH từ tỉnh đến huyện luôn bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện linh hoạt công tác huy động nguồn vốn, quản lý điều hành tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, thực hiện chặt chẽ công tác giám sát nguồn vốn…

Nhờ đó, kế hoạch tăng trưởng được giao đã được đảm bảo hoàn thành; các chương trình tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép các nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án tại địa phương như: chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Vốn tín dụng chính sách được lồng ghép với các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm; đặc biệt tích cực tuyên truyền, khuyến khích hộ vay vốn nêu cao ý thức hoàn trả vốn, nộp lãi đúng quy định.

Cán bộ tín dụng chính sách luôn bám sát cơ sở, cùng cán bộ chính quyền cơ sở xem xét, thẩm định kỹ thuật, chính xác những trường hợp/hộ vay vốn gặp rủi ro do thiên tai dịch bệnh, để kịp đề nghị cấp có thẩm quyền cho áp dụng biện pháp xóa nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ quá hạn của tín dụng ưu đãi ở Trà Vinh đến nay còn có 0,42% giảm 3,6% so với năm 2015.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang phát huy tác dụng trong giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Trà Vinh.

Lê Na