Xây dựng và phát triển thị trường lao động Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững với nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, có năng suất lao động và tính cạnh tranh luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam.

Bởi đây chính là “chìa khóa” vừa mở ra sự kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế lại bảo đảm hài hòa thị trường lao động nội địa. Nhưng xa hơn, là giải quyết vấn đề việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…

{keywords}
Ảnh minh họa Đình Thành

Về nguồn nhân lực (NNL), nhất là NNL chất lượng cao, từ Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển nhanh NNL nhất là NNL chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển NNL với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Kết quả thực hiện đột phá này, Đại hội XII đánh giá: “Phát triển NNL và khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực”. Tuy nhiên, “Phát triển NNL và ứng dụng khoa học, công nghệ còn chậm. Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm, thiếu lao động chất lượng cao. Hệ thống giáo dục còn thiếu tính liên thông, chưa hợp lý và thiếu đồng bộ”; “Khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…”.

Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh về phát triển NNL một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn. Báo cáo Chính trị Đại hội XIII bổ sung ưu tiên “Phát triển NNL cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1.

Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về thực hiện đột phá về NNL, các văn kiện Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ cụ thể hơn rất nhiều so với Đại hội XI, XII của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu, ưu tiên phát triển NNL cho các lĩnh vực then chốt; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ; đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Với sự ưu tiên phát triển NNL chất lượng cao đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII cho thấy, đường lối, chủ trương về phát triển NNL ở nước ta theo xu hướng đáp ứng được chất lượng, yêu cầu trong bối cảnh thế giới hiện nay đó là cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đó là ưu tiên phát triển nhanh, bền vững… Đây cũng là bước đột phá chiến lược trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế – xã hội còn thấp khi bước vào nền kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế… Do đó, yêu cầu nâng cao chất lượng NNL, nhất là trí lực có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững. Nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất – kỹ thuật, khoa học – công nghệ… có mối quan hệ nhân – quả với nhau, trong đó NNL được xem là nguồn lực quan trọng nhất, chi phối các nguồn lực khác và quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. So với các nguồn lực khác, NNL với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý.

Tuy nhiên, để phát triển được NNL chất lượng cao cần có chiến lược và giải pháp mang tính lâu dài, nhất là phải tạo đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo, nếu không, chủ trương phát triển NNL chất lượng cao khó thực hiện được.

Khi nói về NNL, người ta có thể đề cập đến 3 góc độ: số lượng (hay quy mô), chất lượng và cơ cấu NNL. Số lượng NNL thể hiện thông qua chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng NNL. Về chất lượng, NNL được xem xét trên các mặt: sức khỏe, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất, đạo đức… (hay còn gọi là thể lực, trí lực và tâm lực). Khó khăn, thách thức trong phát triển NNL ở nước ta diễn ra cả 3 góc độ từ số lượng, chất lượng và cơ cấu NNL.

Theo thống kê của FAMIL (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh) trong năm 2020, lao động ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, có sự chuyển dịch từ sử dụng nhóm lao động đơn giản sang nhóm có trình độ cao. Trong số 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc trong năm 2020 có đến 94,78 lao động qua đào tạo, trong đó đại học trở lên chiếm 66,57%, cao đẳng chiếm 15, 82% và trung cấp chỉ chiếm 6,72%. Các tỷ lệ này chủ yếu tập trung ở các ngành: tài chính – ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, quản lý điều hành và marketing – quan hệ công chúng. Nhu cầu tìm việc ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn: 5,22% sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật 5,67%.

Tuy phát triển nhanh nhưng chất lượng NNL còn nhiều hạn chế. Lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hội nhập. Ở các công ty, nhà xưởng cơ khí, những vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao vẫn thường do lao động nước ngoài đảm nhận. Không chỉ vậy, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn. Hằng năm, có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khan hiếm lao động ở nhiều vị trí. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của NNL Việt Nam chưa cao. Vì thế, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập.

Các khó khăn, thách thức còn đến từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bởi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lao động chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Việt Nam cần tăng cường nhân lực chất lượng cao ở cả 3 nhóm: lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ và lao động kỹ thuật. Bên cạnh đó, còn thách thức từ một loạt các vấn đề cốt lõi, như: giáo dục và đào tạo, thống kê và dự báo, tuyển dụng và sử dụng… vẫn còn mang hơi hướng quan liêu tập trung, thậm chí còn ở mức lạc hậu.

Trần Thường (lược trích)