Tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thay vào đó là khái niệm kinh tế tri thức. Thế nhưng ở các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Từ kinh tế tri thức tới kinh tế số là một bước chuyển đổi mang tính rõ ràng, cụ thể hơn, dễ định lượng và dễ thực hiện, phù hợp với xu thế hơn.

TS Nguyễn Văn Đáng, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng nền kinh tế số là một trong những giải pháp để tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế Việt Nam. Đấy là một xu hướng của thời đại. 

Chủ trương, đường lối của Đảng đưa ra rất rõ và sớm. Từ năm 2014, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin. Năm 2016, Chính phủ có một nghị quyết về ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2017, 2018, chúng ta thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử.

{keywords}
Ở các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Ảnh minh họa

Năm 2019, Bộ Chính trị ra chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, rồi nghị quyết 52 đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số sẽ đạt 20% GDP…

Tức là về mặt nhận thức và chủ trương, chúng ta đã rất chủ động. Thực tế, một số tổ chức nghiên cứu ở quốc tế đã đánh giá tốt những điều kiện, tiềm năng cho tương lai của nền kinh tế số ở Việt Nam.

"Đội ngũ nhân lực của chúng ta về mặt công nghệ, kỹ thuật khá tốt và thực tế là nền kinh tế đã có những chuyển động rất rõ. Vấn đề là làm sao chúng ta đẩy mạnh được hơn nữa chuyển động theo hướng kinh tế số trong thời gian tới để tận dụng những thế mạnh của Việt Nam, và đặc biệt là theo đúng theo xu hướng, quy luật phát triển của xã hội hiện đại", ông Đáng phân tích.

Giải pháp thúc đẩy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tham khảo mô hình của các nước và vùng lãnh thổ, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, TS Nguyễn Văn Đáng chia sẻ: "Tôi thấy điều giúp họ thu hút và phát huy được sự cống hiến của những người có năng lực nổi trội chính là trao cơ hội và tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi cho những người có năng lực đó, để họ cảm giác là họ được trọng dụng, được ghi nhận, tôn vinh và được bảo đảm những lợi ích nếu như thực sự họ đem đến sự thay đổi cho xã hội.

Từ góc độ nghiên cứu về quản trị công, để những người có năng lực nổi trội có chỗ đứng bền vững trong hệ thống quản trị công của quốc gia nói chung, tôi đề cao yếu tố thể chế. Tức là chúng ta thể chế hóa chủ trương, chính sách thành các quy tắc, nguyên tắc, quy trình tuyển dụng, phát hiện, tuyển dụng, bổ nhiệm rồi là đề bạt, thăng tiến...

Khi đó, người tài, người có năng lực sẽ nhìn thấy được cơ hội của họ và họ biết làm thế nào để có thể đóng góp cho xã hội. Khi đó, không chỉ thế hệ này mà cả thế hệ sau, chúng ta có được một quy trình thể chế ổn định, vận hành khách quan và giảm thiểu sự can thiệp của yếu tố chủ quan, cảm tính của con người". 

Duy Linh - Ảnh Thanh Thủy