Tháng 10, thế giới chứng kiến dịch Covid-19 bùng nổ trên 213 quốc gia, vùng lãnh thổ với số người mắc vượt qua mốc 45 triệu và số người tử vong đã lên đến gần 1,2 triệu. 

Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua tại Việt Nam không có lây lan trong cộng đồng, hiện không còn trường hợp bệnh nhân Covid-19 nào nặng. Có thể nói, Việt Nam nằm trong số các quốc gia thành công khi đương đầu với hai đợt dịch Covid-19 kể từ đầu năm tới nay.

Mặc dù cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát,  Bộ Y tế vẫn liên tục cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế).

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, ở Việt Nam, chúng ta vẫn coi đây là căn bệnh xâm nhập.

"Trong thời gian qua, tính đến nay là hơn 60 ngày Việt Nam không có ca bệnh trong cộng đồng, nên việc nó có bùng phát vào mùa đông này hay không còn phụ thuộc vào nguồn bệnh có trong cộng đồng. Nếu chúng ta tiếp tục làm tốt việc ngăn chặn, không cho virus từ nước ngoài xâm nhập vào, giữ trạng thái không có ca bệnh trong cộng đồng thì dịch sẽ không bùng phát được", bác sĩ Phu khuyến cáo.

{keywords}
 

Đẩy mạnh phương châm “4 tại chỗ”

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, chiến lược ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng; dập dịch và điều trị hiệu quả rất đúng đắn. Trước và trong khi dịch xảy ra, chúng ta đã làm rất tốt. Về lâu dài, chúng ta vẫn phải áp dụng chiến lược này.

Việt Nam có một hệ thống chính trị chỉ đạo tốt từ Trung ương tới địa phương, đến tận cơ sở xã phường và có sự phối hợp tốt giữa các bộ ngành, giữa Chính phủ với các tỉnh, giữa các tỉnh với các huyện, các xã... và sự chỉ đạo là xuyên suốt. Bộ Y tế là cơ quan tham mưu, trực tiếp yêu cầu các địa phương thực hiện.

Việt Nam đã bám sát chỉ đạo về công tác giám sát, rà soát trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam trên địa bàn thành phố; chủ động xây dựng quy trình phát hiện, xử lý trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; xây dựng ứng phó với dịch COVID-19 theo “3 tình huống,” “4 cấp độ”; sẵn sàng các nguồn lực phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ.”

“Chúng ta được quốc tế đánh giá cao là một đất nước đầu tư hạn chế nhưng lại có thành tựu rất lớn trong chống dịch Covid-19. Qua 2 đợt dịch, chúng ta đều thấy tầm quan trọng, tính hiệu quả của của phương châm 4 tại chỗ”, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.

Theo ông phân tích, phương châm thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế trên tinh thần bốn tại chỗ là yếu tố góp phần làm nên thành công của Việt Nam trong 2 làn sóng Covid-19 vừa qua. 

Bởi, chúng ta có chính quyền tại chỗ, y tế tại chỗ, lực lượng công an tại chỗ, lực lượng quân đội tại chỗ và nhiều ngành tại chỗ, kể cả người dân tại chỗ cũng tham gia rất tích cực vào phòng chống dịch.

Ngoài ra, các phương châm khác như: Nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hẫu cần tại chỗ… được phát huy tối đa. Với biện pháp tại chỗ, cả về vấn đề dự phòng, điều trị. Những ca bệnh nhẹ ta để ở dưới, ca nặng ta mới chuyển lên trên. Hoặc dự phòng, kể cả Y tế, công an, quân đội tham gia vào giám sát những người nhập cảnh trái phép về, có sự tác động, hỗ trợ lẫn nhau rất tốt giữa tất cả các ngành.

Việt Nam khẳng định năng lực qua công tác xét nghiệm

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, năng lực xét nghiệm của Việt Nam là vấn đề mấu chốt để kiểm soát và ngăn ngừa dịch lây lan.

“Chiến lược của chúng ta là ngăn chặn, phát hiện, cách ly. Thế nhưng muốn phát hiện được phải có phương tiện. Cụ thể ở đây là xét nghiệm sàng lọc các ca nhiễm Covid-19”, ông nói.

Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương công bố, đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới trong phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV.

Sau khi phân lập virus thành công, Viện tiến hành sản xuất chứng dương (mẫu đối chứng) để cung cấp cho một số đơn vị sản xuất các bộ kit xét nghiệm sớm ở y tế tuyến tỉnh giúp phát hiện, sàng lọc sớm các ca nghi ngờ.

Ngoài sản xuất test kit, chúng ta có các xét nghiệm đầu tay PCR, xét nghiệm Elisa kháng thể. Hiện bên cạnh việc tiếp tục phát triển test kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên, Chính phủ cũng sẵn sàng nhập thêm, để đáp ứng công tác ứng phó dịch bệnh Covid-19.

“Tôi cho rằng, năng lực xét nghiệm vô cùng phát triển và hỗ trợ chúng ta làm tốt việc ngăn chặn, cũng như cách ly, khoanh vùng và dập dịch, không cho dịch bùng phát”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Quang Sơn