Biến đổi khí hậu là chủ đề được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, mang lại sự quan ngại lớn cho tất cả các quốc gia trên thế giới và là hiện tượng gây trở ngại nghiêm trọng đến sự phát triển của con người cũng như nỗ lực bảo vệ quyền con người. Lũ lụt, hạn hán, bão tố ngày càng nghiêm trọng và khó dự báo đã cướp đi sự sống của hàng trăm nghìn người trên thế giới mỗi năm, đẩy con người vào tình trạng mất nhà cửa và làm trầm trọng thêm các dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới.

Bởi vậy, các quốc gia, đại diện Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh cần xem xét vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu từ góc độ quyền con người, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh của quyền con người. Trên các diễn đàn chính trị thường xuyên có những cuộc thảo luận sôi nổi về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, năm ngoái đã có thảo luận quan trọng về chủ đề “Biến đổi khí hậu và Quyền con người”, trong đó nhấn mạnh con người giữ vị trí trung tâm trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại cuộc thảo luận này, Bà Mary Robison, Chủ tịch Quỹ Mary Robison, một trong những diễn giả chính của Hội nghị, đã nhắc đến Việt Nam như một trường hợp điển hình về lồng ghép vấn đề bảo vệ quyền con người, trong đó có việc thúc đẩy quyền bình đẳng giới, trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Robison dẫn ví dụ cụ thể về hiệu quả dự án hợp tác giữa UNWOMEN và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc hướng dẫn phụ nữ ở miền Trung Việt Nam các biện pháp chuẩn bị ứng phó với bão lũ.

{keywords}
Cà Mau mất 450ha đất ven biển mỗi năm do biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và đang phải đương đầu với không ít thách thức trong vấn đề đề này. Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về môi trường; dành nguồn lực thỏa đáng đối với việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam phê chuẩn và thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai mang ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững và thích ứng lâu dài của Việt Nam. Biến đổi khí hậu, ở một mức độ nhất định là một thực tế không thể tránh khỏi, tuy nhiên cần thực thi những hành động khác để giúp người dân thích ứng và tăng khả năng chống chịu. Giáo dục và việc làm đầy đủ là một trong những yếu tố giúp xây dựng lưới an sinh xã hội để ứng phó với thảm họa. Những người dễ bị tổn thương nhất là những người phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất từ biến đổi khí hậu, trong đó có phụ nữ nghèo. Bởi khi thiên tai xảy ra, phụ nữ là người dễ bị ảnh hưởng nhất vì họ phụ thuộc vào nông nghiệp nhiều hơn nam giới, khiến họ phải đối mặt với nguy cơ mất thu nhập và nguồn lực lớn hơn do bão, lụt và hạn hán.

Hơn nữa, khả năng tiếp cận tài nguyên, tín dụng, thị trường và dịch vụ mở rộng kém hơn cũng khiến phụ nữ có sức chống chịu kém hơn, đặc biệt là những người thuộc hộ nghèo. Áp lực ngày càng lớn lên nguồn tài nguyên nước và rừng cũng thường dẫn tới việc phụ nữ phải đi xa hơn để lấy nước hoặc kiếm củi, do đó phải đối mặt nhiều hơn với các mối nguy hại đến sức khỏe và làm tăng gánh nặng chăm sóc không được trả lương. Xét trên góc độ những rủi ro liên quan đến khí hậu thì phụ nữ có thể dễ bị tổn thương, nhưng họ cũng là người nắm giữ giải pháp. Kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam cho thấy phụ nữ có thể đóng vai trò sống còn trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, nhất là khi nam giới di cư tìm việc làm.

Với truyền thống nhân văn, nhân bản, Nhà nước Việt Nam luôn cam kết tiếp cận bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ sẽ được thúc đẩy hoặc đưa vào trong quá trình thực hiện Thỏa thuận Pa-ri và Khung hành động Sen-đai. Kế hoạch hành động nhằm mục tiêu mang đến những tác động xã hội tích cực thông qua cải thiện bình đẳng xã hội và đầu tư có ưu tiên vào những khu vực và nhóm xã hội dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, người nghèo, trẻ em, người già, dân tộc thiểu số…

Đặc biệt lồng ghép giới và thúc đẩy bình đẳng giới là một nguyên tắc trong cấu phần về thích ứng của Việt Nam.

Hoài Thanh