Một trong những yêu cầu cơ bản trong tái cơ cấu nông nghiệp là xây dựng chuỗi liên kết nông dân lại với nhau để có diện tích lớn, sản xuất theo cùng một quy trình; tiếp đến là liên kết nông dân với doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho “đầu vào”, “đầu ra”, để tiêu thụ, chế biến nông sản một cách bền vững...

Theo đó, nhiều năm qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

{keywords}
Chuỗi liên kết chăn nuôi gà công nghiệp tại xã Thanh Bình, Huyện Trảng Bom.

Với mục tiêu hình thành những dự án cánh đồng lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, nông dân vào chuỗi liên kết. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ cả trong trồng trọt lẫn chăn nuôi, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu trong cả nước về xây dựng chuỗi liên kết, đặc biệt là đầu tư dự án cánh đồng lớn.

Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho rằng, lợi thế của Đồng Nai là cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi... có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Nhiều đặc sản trái cây của tỉnh như bưởi, chôm chôm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nông dân cũng ngày càng quan tâm đầu tư sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng tốt những thị trường xuất khẩu khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất an toàn cho nhiều mặt hàng trái cây nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh này.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số HTX cũng đang trở thành đầu tàu hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.

Hồng Nhì
Ảnh: Thúy Tình