Điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp

Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vừa có đồng bằng, vừa có miền núi, vừa có biển, hải đảo và cảng nước sâu nên có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh có Khu kinh tế Dung Quất, diện tích 45.000 ha, hệ thống kết cấu hạ tầng đã được đầu tư tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh với hạt nhân phát triển là Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Công ty Công nghiệp nặng Doosan; Khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ VSIP; Dự án Khu liên hợp Thép Hòa Phát,... Đồng thời, Quảng Ngãi còn có 03 khu công nghiệp và 18 Cụm công nghiệp giữ vai trò vệ tinh, gắn kết cùng sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất.

{keywords}
Quảng Ngãi có đầy đủ điều kiện để phát triển công nghiệp

Thế mạnh công nghiệp chủ lực của Quảng Ngãi là ngành lọc hóa dầu với Nhà máy lọc Dung Quất cũng là Nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước, hiện tại nhà máy đang thực hiện dự án mở rộng, nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm.

Đồng thời, với lợi thế cảng biển nước sâu, ngành cơ khí chế tạo và sản xuất kim loại của Quảng Ngãi cũng rất có tiềm năng phát triển. Một loạt công ty sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng như Doosan Vina với sản phẩm nồi hơi cho các nhà máy nhiệt điện, cẩu trục bốc dỡ hàng cho các hệ thống cảng biển, thiết bị xử lý nước biển thành nước ngọt sinh hoạt…, khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát - Dung Quất, quy mô 4 triệu sản phẩm/năm,… là tiền đề cho ngành công nghiệp địa phương.

Ngành chế biến thực phẩm, đồ uống và chế biến gỗ cũng là thế mạnh của Quảng Ngãi nhờ có đường bờ biển dài gần 130 km, ngư trường đánh bắt rộng, thổ nhưỡng thích hợp trồng một số loại cây công nghiệp như cây mía, mỳ, keo lai… với các sản phẩm nổi tiếng như Đường RS, sữa Đậu nành Fami, tinh bột Mỳ, thủy sản chế biến,…

Cần một ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh trong 10 năm tới

Nhiều chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp của Quảng Ngãi tuy đã có những bước phát triển nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nội lực của địa phương.

Trong Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” diễn ra vào cuối năm 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính đã thẳng thắn nhìn nhận, năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng; sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kém, giá thành cao.

Ông Nguyễn Tăng Bính chỉ ra rằng, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có chất lượng cao phục vụ công nghiệp hỗ trợ tại địa phương đang thiếu trầm trọng. Các dịch vụ hỗ trợ sau đầu tư của các tỉnh trong vùng và của tỉnh chưa hoàn thiện, các dịch vụ xã hội kèm theo các Khu kinh tế, Khu công nghiệp chưa thật sự phát triển và đáp ứng nhu cầu,…

Do vậy, cần phải xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đồng thời tạo nên một hệ thống chính sách về về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư thông thoáng theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 của UBND tỉnh, trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ được xếp vào danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư với mức ưu đãi vượt trội

Vấn đề đặt ra là bên cạnh việc tập trung thu hút các dự án đầu tư, chính quyền các địa phương phải là chủ thể chủ trì, huy động các nguồn lực để tổ chức cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ xã hội sau đầu tư. 

Mới đây, đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện “Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, theo đó, cụ thể hóa chính sách, các nhiệm vụ, chương trình, giải pháp phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng định hướng đúng đắn về ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, kỳ vọng tỉnh Quảng Ngãi sẽ có những bước tiến xa về công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng trong tương lai không xa.

Hoàng Hiệp