Thừa Thiên Huế đang trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Trung, trong đó nổi lên là dệt may và các sản phẩm hỗ trợ dệt may. Riêng các sản phẩm dệt may và sản xuất sợi vải đóng góp 70 - 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm.

Chính vì năng lực sản xuất lớn như vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Thừa Thiên Huế có rất nhiều động lực cũng như tiềm năng để thúc đẩy lĩnh vực CNHT cho các ngành công nghiệp nhẹ phát triển.

{keywords}
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thừa Thiên Huế có rất nhiều động lực cũng như tiềm năng để thúc đẩy lĩnh vực CNHT

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến năm 2025, tỉnh này đặt mục tiêu các doanh nghiệp CNHT đảm bảo cung ứng cho dệt may, da giày đạt trên 75%. Chỉ tiêu trên nằm trong kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2015 theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam.

Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đẩy mạnh phát triển CNHT thuộc các lĩnh vực CNHT dệt may - da giày, linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su, linh kiện phụ tùng điện - điện tử và CNHT cho công nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể, phát triển các sản phẩm nguyên vật liệu và phụ liệu đáp ứng đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cung ứng sản phẩm CNHT cho ngành dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh đạt trên trên 75%.

Cùng với mũi nhọn là CNHT các ngành dệt may, da giày, tỉnh Thừa Thiên Huế tập cũng phát triển sản xuất một số lĩnh vực CNHT khác như: Linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu phát triển của các ngành CNHT chế tạo, ngành sản xuất thiết bị y tế và ngành điện - điện tử trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ cung ứng trên 55%.

Ngoài ra, tỉnh phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đã sớm nhận thức và có những bước đi về chính sách với 6 nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNHT; Triển khai Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 theo Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2017-2025; Quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển CNHT; Đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các dự án sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh; Nâng cao năng lực hỗ trợ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh; Phát triển chuỗi giá trị công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Hiệp